(ĐCSVN) – Để đạt được mục tiêu giảm ít nhất 30% tổng phát thải khí mê tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022, thiết lập Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan. Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động xây dựng các chiến lược triển khai hoạt động nhằm giảm phát thải khí mê tan, với mục tiêu cuối cùng là đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thực hiện những cam kết này, sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các doanh nghiệp là điều không thể thiếu. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để tìm hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong nỗ lực giảm phát thải khí mê tan tại Việt Nam.
TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Phóng viên: Ông có thể cho biết, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những động thái nào nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải?
TS. Lương Quang Huy: Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp xử lý chất thải và thu hồi khí mê tan để sử dụng làm năng lượng. Mặc dù, tỷ lệ đóng góp của ngành chăn nuôi vào tổng phát thải khí mê tan chỉ chiếm khoảng 15-20%, nhưng tiềm năng giảm phát thải trong lĩnh vực này là rất lớn. Nhiều cơ sở chăn nuôi đã bắt đầu áp dụng các giải pháp quản lý chất thải hiệu quả. Đặc biệt, phát thải khí mê tan từ chăn nuôi bò phần lớn đến từ quá trình ợ hơi. Thay đổi khẩu phần ăn cho bò đã được chứng minh là có hiệu quả, giúp giảm đến 40% lượng phát thải khí mê tan ở một số doanh nghiệp. Đối với chăn nuôi gia súc lớn khác, việc giảm phát thải tập trung vào quản lý chất thải. Rất nhiều công ty đã áp dụng biện pháp xử lý sinh học và sử dụng biogas từ các bể biogas để xử lý chất thải vật nuôi, đồng thời thu hồi khí mê tan.
Trong lĩnh vực khai thác than và khí đốt, nhiều công ty cũng đang đầu tư vào công nghệ thu hồi khí mê tan trong quy trình khai thác. Việc này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tạo ra nguồn năng lượng có thể sử dụng và bán ra, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang được hưởng lợi từ một thị trường năng động cùng với nguồn nhân lực trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và xanh. Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt đã thực hiện các hoạt động quản lý chất thải, tận dụng chất thải nông nghiệp và chăn nuôi để phát điện hoặc làm nguyên liệu cho các sản phẩm khác. Những giải pháp này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và không phát thải.
Các hoạt động giảm phát thải khí mê tan có thể kết hợp với việc sử dụng tín chỉ carbon và bán tín chỉ carbon. Do đó, các doanh nghiệp đã tính toán kỹ lưỡng về việc đầu tư vào các giải pháp này. Thực tế cho thấy, những biện pháp giảm phát thải khí mê tan thường mang lại hiệu quả kinh tế.
Phóng viên: Ông có thể cho biết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải khi triển khai các kế hoạch cắt giảm khí mê tan không?
TS. Lương Quang Huy: Trong quá trình triển khai các kế hoạch giảm phát thải khí mê tan, chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề chính là thiếu nguồn vốn và nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn hạn chế. Để cải thiện tình hình, chúng tôi cần thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí mê tan. |
Ngành chăn nuôi là một lĩnh vực đặc thù với sự phân chia nhỏ lẻ giữa các hộ chăn nuôi. Phần lớn hộ chăn nuôi cá thể không đủ khả năng áp dụng công nghệ mới hoặc các giải pháp giảm phát thải hiệu quả. Do đó, chúng tôi cần đầu tư thời gian và nguồn lực để vận động và hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, từ đó nâng cao hiệu quả giảm phát thải khí mê tan trong ngành này.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ đang tham gia vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, trước hết, họ cần thực hiện quy trình quản lý chất lượng sản phẩm. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính nói chung, họ vẫn gặp khó khăn trong quá trình đầu tư ban đầu. Các hệ thống ngân hàng và tài chính cũng nhận thức được vấn đề này.
Hiện tại, chúng tôi đã phát động nhiều sáng kiến và chương trình hỗ trợ, như tín dụng xanh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi cần mở rộng thêm các chương trình này trong tương lai. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan đánh giá sát sao tình hình để đưa ra các giải pháp tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này sẽ giúp họ tiếp cận vốn hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao năng lực đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Phóng viên: Ông có thể cho biết định hướng và giải pháp tiếp theo để hỗ trợ cộng đồng trong việc cắt giảm phát thải khí mê tan?
TS. Lương Quang Huy: Đến thời điểm hiện tại, qua các tính toán sơ bộ, chúng tôi nhận thấy rằng những lĩnh vực khác nhau đã đạt được kết quả khả quan trong lộ trình giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030. Tôi tin rằng, giai đoạn từ 2025 đến 2030 sẽ là thời điểm quan trọng để chúng ta tăng tốc không chỉ trong việc giảm phát thải khí mê tan mà còn cả các loại khí nhà kính khác.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành liên quan đang tích cực hoàn thiện các quy định kỹ thuật và xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết. Những tài liệu này sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí mê tan.
Nâng cao vai trò của cộng cộng doanh nghiệp trong giảm phát thải khí mê tan. |
Sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung vào việc xây dựng cơ chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon và kết nối với thị trường quốc tế vào năm 2028. Điều này sẽ mang lại nguồn thu bổ sung cho doanh nghiệp, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong đợi. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương triển khai và đưa ra các quy định chi tiết cho việc tổ chức và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Với tiềm năng hiện có và vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế, việc thực hiện lộ trình cắt giảm phát thải khí mê tan cần đảm bảo sự cân bằng và phát triển của doanh nghiệp. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu giảm phát thải khí mê tan, góp phần vào các cam kết toàn cầu trong công cuộc chống biến đổi khí hậu./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nang-cao-vai-tro-cua-cong-dong-doanh-nghiep-trong-giam-phat-thai-khi-me-tan-686690.html