Tham dự có ông Nguyễn Văn Tài – Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT); ông Đào Xuân Lai – Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; đại diện Ban triển khai Dự án đến từ Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An và Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An; các thành viên Ban chỉ đạo từ các Bộ, ngành liên quan và cán bộ dự án thuộc Bộ TN&MT, UNDP.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án cho biết: Dự án BR do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt từ năm 2019. Trong thời gian 5 năm, dự án đặt mục tiêu quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và lồng ghép hiệu quả các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh địa bàn thực hiện dự án, quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam. Hiện nay, dự án do Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (trước đó là Tổng cục Môi trường) phối hợp với UNDP và 3 Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Cù Lao Chàm – Hội An và Tây Nghệ An thực hiện.
Trong năm 2023, nhiều hoạt động then chốt của dự án đã được triển khai tại Trung ương và địa phương như tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng quy chế và kế hoạch quản lý khu dự trữ sinh quyển, xây dựng kế hoạch phục hồi rừng tại các khu dự trữ sinh quyển, phát triển du lịch tại các khu dự trữ sinh quyển và các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng, triển khai hoạt động tài trợ nhỏ. Các kết quả của năm 2023 là nền tảng để hoàn thành thực hiện dự án vào năm 2024.
Cập nhật cụ thể các kết quả của dự án, đại diện UNDP cho biết, đến nay, khoảng 1,22 triệu ha rừng đang được quản lý bảo vệ tại 3 khu dự trữ sinh quyển thông qua hoạt động phục hồi và quản lý bảo vệ, xây dựng, thực hiện Kế hoạch Quản lý bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyển. Cuối dự án sẽ có tính toán lượng các-bon hấp thụ tương đương. Số lượng người hưởng lợi từ dự án đạt gần 11 nghìn người (Ước lượng 4.438 người là phụ nữ), đã vượt mục tiêu đề ra. Khoảng hơn 2.600 hộ gia đình tăng thu nhập nhờ phát triển sinh kế bền vững.
Quy định về khu dự trữ sinh quyển đã được thể chế hóa tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật. Quy chế quản lý khu dự trữ sinh quyển được xây dựng, trình phê duyệt; trong khi Kế hoạch quản lý bảo vệ môi trường khu dự trữ sinh quyển đang được xây dựng.
Tại Cuộc họp, đại diện Ban quản lý dự án, UNDP và 3 Ban triển khai dự án tại Đồng Nai, Quảng Nam và Nghệ An đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án BR trong năm 2023 và đề xuất, kiến nghị đối với Ban chỉ đạo dự án. Tại các khu dự trữ sinh quyển tham gia dự án, các hoạt động sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, quản lý khu bảo tồn và phát triển thân thiện với đa dạng sinh học được lồng ghép vào các công tác quản lý.
Theo đại diện Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An Cù Lao Chàm – Hội An, dự án đã tham vấn công đồng và các bên liên quan để xây dựng kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển giai đoạn 2024-2028. Đến nay, Ban quản lý đã thực hiện các thủ tục trình UBND TP Hội An phê duyệt theo quy định. Các hoạt động sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm cũng được triển khai nhằm giảm áp lực lên đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Còn theo đại diện Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, thông qua triển khai dự án, nhận thức của người dân và cán bộ quản lý về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như sinh kế của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, do địa bàn nằm trên 5 tỉnh nên thủ tục tham vấn xây dựng Quy chế hoạt động của Ban quản lý kéo dài, đến hiện tại quy chế chưa được phê duyệt. Một số hỗ trợ dự án tài trợ nhỏ cho các xã ở vùng đệm khó triển khai. Do các quy định về cơ chế ban quản lý chưa rõ ràng nên chưa có căn cứ để địa phương bố trí kinh phí hoạt động cho ban quản lý sau khi dự án kết thúc.
Dự kiến trong năm 2024, dự án sẽ xây dựng hồ sơ đề cử cho ít nhất 1 khu dự trữ sinh quyển mới. Đồng thời, tiếp tục thúc đấy quá trình hoàn thiện và trình phê duyệt các hướng dẫn, quy chế, kế hoạch quản lý tại tại các khu dự trữ sinh quyển; quản lý rừng bền vững và phục hồi các khu vực rừng bị suy thoái; sử dụng tài nguyên bền vững, hỗ trợ sinh kế cho người dân tại khu vực dành riêng cũng như cộng đồng tại khu dự trữ sinh quyển; quan trắc, giám sát các loài chỉ thị; đào tạo, truyền thông và nâng cao nhận thức tại các khu dự trữ sinh quyển và các hoạt động tổng kết, đánh giá dự án.
Qua các kết quả của dự án, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá, dự án đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra về số lượng, chất lượng sản phẩm, đặc biệt có ý nghĩa về mặt chính sách quản lý vĩ mô. Trong thực tiễn, các địa phương cũng đã triển khai nhiều hoạt động có chất lượng tốt.
Trên cơ sở kiến nghị của Ban quản lý Dự án và Ban triển khai tại địa phương, Thứ trưởng đồng ý chủ trương xin gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 2/2025 để đảm bảo hoàn tất các thủ tục cần thiết theo yêu cầu. Thứ trưởng chỉ đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành các thủ tục xin gia hạn, đồng thời, nghiên cứu xem xét nguồn chi thường xuyên nguồn sự nghiệp môi trường phục vụ duy trì hoạt động Ban quản lý các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam trong thời gian tới.
Về đẩy nhanh quá trình hoàn thiện và trình phê duyệt các hướng dẫn, quy chế, kế hoạch quản tại tại các khu dự trữ sinh quyển, Thứ trưởng đề nghị Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học tiếp tục tổng hợp các ý kiến, tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản đôn đốc các địa phương nếu cần thiết. Bên cạnh đó, tổng hợp các đề xuất chính sách phủ hợp để đưa vào bổ sung, sửa đổi Nghị định 08 trong thời gian tới.