(CLO) Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 27/11, tại TP HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024, nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo định nghĩa của Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP (2023), kinh doanh có trách nhiệm là hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp đánh giá, ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục các tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh đối với con người, môi trường và xã hội.
“Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 14/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, năng lực; rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027 để phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Tương tự, TS. Lưu Hương Ly, Đại diện Vụ Pháp luật Dân sự, kinh tế - Bộ Tư pháp cho biết, thực hành kinh doanh có trách nhiệm đang trở thành chuẩn mực toàn cầu. Theo bà Ly, tư tưởng cốt lõi của việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm phải đạt được sự cân bằng của 3 chữ P gồm "profit - people - planet" (lợi nhuận - con người - hành tinh).
Theo đó, đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.
Bà Ly cũng thông tin về chương trình hành động Quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027, gồm 5 mục tiêu chính.
Cụ thể, nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Đồng thời, đảm bảo Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật; qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và thúc đẩy việc tiếp cận các biện pháp khắc phục và hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Theo bà Ly, dù có không ít thuận lợi, nhưng thực tế triển khai Chương trình này cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trước hết, nhận thức của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội về thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn chưa đồng đều. Trong khi một số tổ chức đã chủ động tìm hiểu và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, phần lớn vẫn coi đây là vấn đề mang tính chất tự nguyện hoặc trách nhiệm xã hội, thay vì là một yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, khung pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hoàn thiện, cùng với hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực này chưa đạt được kỳ vọng cũng là những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, TS. Nguyễn Quang Hòa, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã chia sẻ với đại biểu tham dự, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài về các kỹ năng viết bài về chủ đề thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nang-cao-nang-luc-truyen-thong-chinh-sach-phap-luat-ve-thuc-hanh-kinh-doanh-co-trach-nhiem-post323133.html
Bình luận (0)