Lâu nay xảy ra tình trạng một số đơn vị quản lý và sử dụng dữ liệu cá nhân khách hàng để lộ lọt thông tin đến bên thứ ba khiến nhiều người bị làm phiền, nặng hơn thì bị mất tiền, thậm chí rày rà về pháp lý. Chính vì vậy, theo quy định, khi cung cấp dịch vụ, bên cung cấp dịch vụ đều yêu cầu người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân, tuy nhiên nhiều người đã lưỡng lự hoặc từ chối cung cấp vì lo sợ, dẫn đến việc họ không thể sử dụng dịch vụ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023. Việc cho ra đời một nghị định riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, để tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan. Theo đó, nghị định không chỉ cấm việc mua bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức, mà còn chỉ ra trách nhiệm của các đối tượng, tổ chức liên quan đến dữ liệu cá nhân, bao gồm từ chủ thể dữ liệu, bên kiểm soát dữ liệu, bên xử lý dữ liệu đến cả các bên thứ ba có liên quan đến dữ liệu. Với những quy định này, nghị định đã tạo hành lang pháp lý để cơ quan quản lý Nhà nước có thể rà soát, đánh giá, thanh, kiểm tra việc tuân thủ quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân với các tổ chức, đơn vị thu thập, kiểm soát, xử lý dữ liệu, thay cho việc nhiều người tỏ ra lo lắng rằng dữ liệu của mình có thể lộ lọt bất cứ lúc nào. Đồng thời với yêu cầu nâng cao hơn trách nhiệm của bản thân người dùng, đòi hỏi người dùng sẽ phải chủ động hơn trong việc tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, cũng như tham gia vào việc phát hiện, yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan đến mình. Theo đó, người dùng có thể yêu cầu các đơn vị, tổ chức được truy cập, xem, sửa, xóa các thông tin liên quan đến mình. Đây là điều mà trước đây gần như không có cơ sở cung cấp dịch vụ nào đồng ý.
Nghị định có thể nói đã đáp ứng được mong muốn của người dân, nhưng chính người dân phải nhận thức được trách nhiệm cá nhân của bản thân thì mới cùng cơ quan chức năng bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình. Từ nay đến khi nghị định có hiệu lực, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, đưa ra các hướng dẫn cụ thể để người dân biết, theo dõi nhằm tạo ra thói quen góp phần phát hiện sớm vi phạm trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu cá nhân. Có như thế mới không bỏ sót, để lọt sai phạm trong quản lý, sử dụng dữ liệu cá nhân, bịt lại những lỗ hổng đang gây nhiều bức xúc xã hội hiện nay.
Thái Minh