Toạ đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Bắc Âu và Việt Nam, cơ quan nhà nước… Với các bài tham luận và thảo luận nhóm về các chủ đề làm thế nào để một thị trường lao động thích ứng có thể đáp ứng hiệu quả nhu cầu toàn cầu, thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, Giáo sư Scott Fritzen cho biết: “Là một tổ chức cam kết thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tư duy phản biện, và các phương pháp tiếp cận liên ngành, Đại học Fulbright nhận thấy tầm quan trọng của việc học hỏi từ các mô hình thành công như Khu vực Bắc Âu. Đồng thời tin rằng, sự kiện này sẽ đem lại những hiểu biết có giá trị và truyền cảm hứng cho các chiến lược hữu ích nhằm định hình lực lượng lao động tương lai của Việt Nam”.
Chia sẻ tại sự kiện, Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe nhấn mạnh, các bên sử dụng lao động, công đoàn và chính phủ ở Khu vực Bắc Âu đang hợp tác chặt chẽ nhằm tạo ra một mạng lưới anh sinh xã hội phát triển tốt cho cá nhân. Mô hình này, thường được gọi là “mô hình Bắc Âu”, đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế và được công nhận vì khả năng chống chịu của khu vực trong cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây. Giáo dục miễn phí và đầu tư đáng kể vào nghiên cứu đã đóng góp hình thành những công dân có trình độ cao và một xã hội hiện đại, công nghệ cao.
Còn theo Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken thì đối thoại giữa Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động vừa là yếu tố trọng tâm trong quá trình phát triển các nhà nước phúc lợi Bắc Âu, đồng thời giúp nền kinh tế và thị trường lao động thích ứng hơn với một thế giới không ngừng thay đổi.
Việt Nam hiện đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao hơn và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang chuyển dịch thị trường lao động sang các ngành công nghiệp và công nghệ kỹ thuật cao, tay nghề cao. Sự dịch chuyển này đòi hỏi sự cần thiết phải chú trọng tới đổi mới, số hóa, đào tạo nghề, giáo dục, phát triển kỹ năng, và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
“An sinh và đổi mới sáng tạo là những yếu tố then chốt tạo nên thành công của Khu vực Bắc Âu. Ngoài ra, các quốc gia Bắc Âu cũng rất chú trọng đến việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống” – Đại sứ Phần Lan, ông Keijo Norvanto nói.
Đại sứ Đan Mạch ông Nicolai Prytz chia sẻ, chuyển đổi xanh không thể diễn ra nếu không có một lực lượng lao động có tay nghề phù hợp để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế xanh hơn. Chuyển đổi xanh mang lại nhiều cơ hội việc làm mới nhưng cũng có nguy cơ bỏ lại phía sau những người lao động tay nghề thấp, làm việc trong các khu vực phi chính thức hoặc những công việc gây ô nhiễm.
Các đại diện 4 nước Bắc Âu cũng nhấn mạnh, mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm và bài học mà các nước Bắc Âu đã thu được từ quá trình chuyển đổi xanh trong 40 năm qua, để làm nguồn cảm hứng cho Việt Nam phát triển một thị trường lao động không chỉ đáp ứng hiệu quả nhu cầu chuyển đổi xanh đang diễn ra mà quan trọng không kém. Đó là đảm bảo đây là một quá trình chuyển đổi lao động công bằng và có tính đến các lo ngại về kinh tế của các nhóm dễ bị tổn thương.