(ABO) Ngày 30-6, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang sơ kết công tác 9 tháng (tháng 10-2022 đến tháng 6-2023) của Tòa án nhân dân hai cấp và đóng góp Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu Tòa án nhân dân cấp huyện.
Trong 9 tháng (tháng 10-2022 đến 6-2023), Tòa án hai cấp và đoàn Hội thẩm đã tập trung triển khai thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ xét xử các loại vụ việc kịp thời, công tác giải quyết án đa số trong hạn luật định, chất lượng xét xử đã có những chuyển biến tích cực, tình hình quản lý, phân công, phân nhiệm đối với cán bộ, công chức đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Quang cảnh hội nghị. |
Cụ thể, Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 12.802 vụ việc các loại, đã giải quyết được 7.659 vụ việc đạt 62,83%. So với cùng kỳ năm 2022 thụ lý giảm 794 vụ việc, giải quyết giảm 1.172 vụ việc, tỷ lệ giải quyết giảm 5,13%.
Tòa án hai cấp đã tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo hướng dẫn quy trình, biểu mẫu hòa giải, đối thoại. Trong 9 tháng, hoạt động của các hòa giải viên Tòa án nhân dân hai cấp đã hòa giải, đối thoại thành 814/1.554 vụ việc, tỷ lệ 52,38%…
Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang Huỳnh Xuân Long phát biểu tại hội nghị. |
Tòa án nhân dân hai cấp đã tiến hành tổ chức 132/152 phiên tòa rút kinh nghiệm, bình quân 0,87 phiên tòa/Thẩm phán. Đồng thời, thường xuyên sử dụng, tham gia vào quá trình huấn luyện, làm giàu tri thức cho phần mềm Trợ lý ảo Tòa án với 74.604 lượt tương tác/152 Thẩm phán trong Tòa án nhân dân hai cấp.
Đối với Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 11 chương, 80 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; quy định về thẩm phán, hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; quy định các biện pháp bảo đảm cho hoạt động của Tòa án nhân dân…
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Phong báo cáo công tác 9 tháng (tháng 10-2022 đến 6-2023). |
Tại hội nghị, cán bộ, công chức và Hội thẩm Toà án đều nhất trí và đánh giá cao về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có kết cấu, bố cục phù hợp, ngắn gọn, thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa theo các quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, tại Điều 124 quy định việc phân bổ biên chế, số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân, công chức, viên chức cho các Tòa án nhân dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị.
Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang góp ý, với thực tiễn hiện nay, việc phân bổ số lượng thẩm phán, thư ký còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao, dẫn đến tình trạng quá tải, áp lực công việc lớn. Đề nghị bên cạnh quy định việc phân bổ số lượng thẩm phán, thư ký trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm như trên thì cũng cần xem xét đến số lượng, tình hình tranh chấp, tội phạm theo thẩm quyền xét xử, giải quyết của Tòa án, cân đối số lượng biên chế Thư ký Tòa án theo cơ cấu một Thư ký Tòa án giúp việc cho 1 Thẩm phán nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang Huỳnh Xuân Long đề nghị, thời gian tới Tòa án nhân dân hai cấp cần phải tập trung hơn nữa, mạnh dạn trong kiểm điểm, phê bình đối với các trường hợp có bản án, quyết định bị hủy, sửa do trách nhiệm của Thẩm phán, qua đó để nâng cao tinh thần, trách nhiệm và nâng cao chất lượng xét xử. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các mặt công tác của Tòa án nhân dân hai cấp…
VĂN THẢO
.