Kinhtedothi – Chiều 22/11, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND TP.
Chỉ ra được đặc điểm nhận dạng của văn bản trái pháp luật
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Quốc hội có 2 quyền năng lớn là quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước qua xây dựng pháp luật; và thực hiện chức năng giám sát tối cao. Vậy, “Chúng ta phải tìm được câu trả lời thực sự giám sát đã thể hiện đúng quyền lực tối cao hay chưa?”.
Đại biểu nêu thực trạng hiện nay nhiều dự án tồn đọng gây lãng phí do những vướng mắc, điểm nghẽn của các văn bản quy định của pháp luật có quá nhiều tầng nấc khiến khi thực hiện gặp vướng mắc. Từ thực trạng này, cần tìm nguyên nhân và “xem lại chức năng giám sát của Quốc hội đối với các quy định về giám sát các văn bản luật là sản phẩm do Quốc hội ban hành, thông qua. Sau đó là các nghị định do các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện” – đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu.
Theo đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh, điểm quan trọng nhất là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội… có quyền giám sát các văn bản trái pháp luật.
Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã xác định văn bản trái pháp luật có 5 nội dung.
Thực tế có những văn bản trong nghị định, thông tư có giá trị cao hơn luật dẫn đến không không thực hiện được. Vậy những văn bản tạo nên vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật có được coi là trái pháp luật hay không? – đại biểu đặt vấn đề.
Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, hồn cốt của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND TP là phải xác định được khái niệm và chỉ ra được đặc điểm nhận dạng của văn bản trái pháp luật. Với các nội dung đã được quy định tại Nghị định 154/2020/NĐ-CP chưa đủ, cần phải khơi thông.
Đồng thời, sau khi nhận diện Luật phải sửa theo thông điệp hiện nay, cố gắng phân định Quốc hội ban hành Luật, Chính phủ và các bộ ngành thực hiện Luật. Sau đó, Quốc hội thực hiện chức năng giám sát thực hiện pháp luật đó để chủ động giao cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng của Quốc hội giám sát chất lượng văn bản về sự thống nhất với luật, các nghị định…
“Đó mới là chủ động cùng cơ quan chức năng của Chính phủ tháo gỡ ách tắc trong xây dựng và phát triển kinh tế. Chứ đợi trái pháp luật mới giám sát hoặc hằng năm lựa chọn chuyên đề giám sát, tôi cho rằng như vậy là thụ động” – đại biểu Nguyễn Minh Đức bày tỏ quan điểm.
Đại biểu cũng cho rằng, cần có quy định chặt chẽ, nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội thông qua việc tiến hành giám sát và hậu giám sát.
Góp ý cụ thể vào điều 30 Dự thảo Luật, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, ngoài việc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ban Dân nguyện giám sát tiếp công dân thì nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ này nhưng chưa có văn bản hướng dẫn dẫn đến quá trình tổng hợp, xem xét, đánh giá trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thực hiện trách nhiệm tiếp công dân.
Vì vậy, để bảo đảm tính kịp thời, chính xác trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị bổ sung thêm nội dung giám sát công tác tiếp công dân của Ban Dân nguyện để tạo sự đồng bộ trong quy định thực hiện giám sát.
Đồng thời, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về vai trò giám sát tổ chức thực hiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Luật, nghị định, thông tư để có sự phù hợp trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Phải đủ 3 đại biểu Quốc hội tham gia giám sát là cứng nhắc
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng, quy định phải có 3 thành viên là đại biểu Quốc hội tham gia đoàn giám sát là khó khả thi.
Dẫn chứng điều này, đại biểu cho biết, tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có 13 đại biểu thì 7 đại biểu địa phương còn lại là đại biểu Trung ương kiêm nghiệm nên khó tham gia được đoàn giám sát.
Do đó quy định phải có ít nhất 3 đại biểu Quốc hội tham gia đoàn giám sát là khó. Chưa kể hiện nay có đoàn đại biểu Quốc hội có việc đại biểu Quốc hội do chuyển công tác nên chỉ có 1-2 đại biểu ở địa phương nên nếu quy định như Dự thảo Luật thì không đủ điều kiện tham gia giám sát. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu về nội dung này.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) góp ý, giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội cần phải phù hợp với tình hình thực tiễn với thực tế của các đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay chứ không nên quy định cứng phải có 3 đại biểu Quốc hội tham gia đoàn giám sát.
Đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cũng cho rằng, việc phải có 3 đại biểu Quốc hội tham gia đoàn giám sát là cứng nhắc, vì có nơi chỉ 4 đại biểu, 1 trưởng đoàn, 2 kiêm nhiệm nên khi tổ chức giám sát khó khăn.
“Nếu mời đại biểu ở Trung ương về tham gia giám sát thì khó khăn do vướng lịch công tác. Chưa kể thực tế có việc nhiều đại biểu đã nghỉ công tác và chỉ tham gia với tư cách đại biểu Quốc hội. Do đó nếu đòi hỏi 3 đại biểu Quốc hội tham gia đoàn giám sát thì cứng nhắc” – đại biểu Lương Văn Hùng nêu.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nang-cao-su-chu-dong-cua-quoc-hoi-trong-giam-sat-trien-khai-luat-de-go-diem-nghen.html