Sự cam kết với năng suất chất lượng giúp cải thiện quy trình giảng dạy và học tập, đảm bảo nguồn lực, cơ sở hạ tầng giáo dục được phát triển và nâng cao, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên.
Điều này tác động lớn đến sự phát triển của quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự cạnh tranh toàn cầu.
Năng suất chất lượng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Nâng cao năng suất giúp chống lãng phí, tiết kiệm tài nguyên trong bối cảnh các nguồn lực về nguồn vốn, tài nguyên, lao động bị hạn chế; đồng thời là giải pháp giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, năng suất còn là thước đo hiệu quả của lực lượng lao động trong sản xuất. Nó bao gồm việc sử dụng nguồn nhân lực, máy móc, tài chính và các cơ chế khác nhằm tạo ra nguồn lợi cho việc kinh doanh. Hơn nữa, năng suất cao giúp mọi doanh nghiệp đạt được mục tiêu mong muốn của mình. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp chưa nhận ra điều này nên có thể bỏ lỡ cơ hội thành công. Vậy nên, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng thì chìa khoá chính là nâng cao, cải tiến năng suất.
Đối với môi trường giáo dục, năng suất góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy tại trường, là tiền đề nâng cao sức cạnh tranh, uy tín của nhà trường và hội nhập quốc tế.
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia.
Theo TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, năng suất chính là ngày mai làm việc tốt hơn và ngày mai chúng ta suy nghĩ và cống hiến tốt hơn ngày hôm nay. Tư duy năng suất chính là công cụ giúp chúng ta có tư duy, nguồn lực sáng tạo vô hạn để tạo ra những giá trị mới, của cải mới. Đó cũng là thông điệp hướng đến các bạn sinh viên – những thế hệ năng suất tương lai đang nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được những thành quả trong tương lai.
“Chúng tôi mong muốn các bạn sinh viên sẽ mang làn gió và tư duy năng suất để cho thế hệ đi trước hiểu về các công cụ, hiểu được năng suất, từ đó tư duy năng suất và phong trào năng suất lan tỏa đến các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới, giai đoạn kỷ nguyên vươn mình”, TS. Hiệp nói.
Nắm bắt tầm quan trọng của năng suất chất lượng đối với môi trường giáo dục, trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã triển khai đào tạo về năng suất chất lượng tại 15 trường đại học trên toàn quốc và tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu về Năng suất chất lượng cho sinh viên.
Các chương trình trên đã phần nào mang lại hiệu quả tích cực, giúp sinh viên tiếp cận định hướng nâng cao năng suất theo quan điểm hiện đại, công cụ cải tiến cũng chính là tiền đề cho sinh viên tiếp tục học tập, nghiên cứu trong trường và khi ra trường sẽ có hành trang về cải thiện năng suất; kiến thức, năng lực giúp sinh viên cải thiện cuộc sống của chính mình, cải thiện năng suất doanh nghiệp, năng lực quốc gia.
Chung kết cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về Năng suất chất lượng trong sinh viên” năm 2024.
Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình, bạn Đoàn Thị Thanh Trúc, sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai cho hay, mỗi sinh viên được trang bị kiến thức về năng suất chất lượng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả học tập, rèn luyện của bản thân, giúp sinh viên có đủ hành trang áp dụng vào thực tiễn tại cơ quan, doanh nghiệp sau này.
Bạn Phan Trọng Phú, sinh viên trường Đại học Nha Trang cho biết, đảm bảo năng suất chất lượng trong giáo dục đại học đòi hỏi sự cam kết từ cơ sở giáo dục, giảng viên và sinh viên. Thông qua việc tập trung vào năng suất chất lượng, chúng ta có thể xây dựng hệ thống giáo dục đại học hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Nguồn: https://danviet.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-nang-suat-trong-sinh-vien-20250103130326098.htm