Từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta có 2 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông.
Kiên Giang không bị ảnh hưởng trực tiếp bão, nhưng chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão gây dông, gió mạnh, mưa lớn trên diện rộng, lốc xoáy xảy ra ở nhiều nơi, biển động mạnh. Các hình thái thời tiết cực đoan nêu trên đã gây thiệt hại khá lớn về người, tài sản, sản xuất và đời sống của nhân dân.
Thiên tai đã làm 1 người chết, 18 người bị thương, làm sập 142 căn nhà, tốc mái 317 căn nhà, đánh chìm 12 phương tiện tàu thuyền. Mưa dông, lốc xoáy đã làm đổ ngã nhiều cây xanh trên địa bàn các huyện, thành phố; ngập úng cục bộ một số tuyến đường nội ô TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc và đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện U Minh Thượng.
Về thiệt hại sản xuất, thiên tai làm ngập úng tạm thời, đổ ngã hơn 15.500ha lúa hè thu, 17.571ha lúa thu đông. Ước tổng giá trị thiệt hại đến nay khoảng 16 tỷ đồng.
Hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và triển khai kế hoạch tổng thể ứng phó hạn mặn giai đoạn 2023-2025 sáng 10-8.
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, thủy văn, tình hình thiên tai các tháng cuối năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường; bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều và có thể ảnh hưởng ở vùng biển nam Biển Đông trong các tháng cuối năm. Hiện tượng El Nino ảnh hưởng mạnh từ mùa khô 2023-2024 nên tình trạng hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập có nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao, trên phạm vi rộng, kéo dài từ mùa khô năm 2023 – 2024 đến năm 2025.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021-2025 và đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai… Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các công trình xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, mặn xâm nhập và vùng hải đảo.
Hoàn lưu bão số 2 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đề nghị Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ưu tiên cân đối, bố trí nguồn lực để chủ động ứng phó với hạn hán, mặnxâm nhập giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công cống, âu thuyền T3 – Hòa Điền (Kiên Lương); cống, âu thuyền Vàm Bà Lịch (Châu Thành), các cống còn lại trên tuyến đê biển An Biên, An Minh và hệ thống điện để vận hành, nhằm đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ sản xuất, nước sinh hoạt nông thôn cho các địa phương trong khu vực.
Đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai từ nguồn ngân sách địa phương, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian tới.
Triển khai sớm công tác tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn quy mô cấp xã theo kế hoạch năm 2023, nhằm nâng cao năng lực điều hành, ứng phó thiên tai của chính quyền địa phương theo phương châm 4 tại chỗ và phát huy tính tự giác của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.
Các địa phương có nhiều diện tích thường bị ngập úng do triều cường, lũ, mưa lớn khẩn trương khảo sát nâng cấp các tuyến đê bao, bờ bao đảm bảo trên mức báo động 2 và phát triển hệ thống trạm bơm chống ngập úng, điều tiết nước phục vụ sản xuất đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tin và ảnh: THÙY TRANG