(TN&MT) – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo thường niên Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF- Việt Nam) tài trợ.
Bà Phạm Thu Hằng- Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy- Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa, WWF–Việt Nam chủ trì hội thảo. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ đầu cầu các bộ, ngành, cơ quan có liên quan; các tỉnh, thành phố ven biển tham gia dự án.
Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ dự án hỗ trợ giảm nhựa
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (“Dự án”) được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT năm 2020 của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam. Dự án được Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thực hiện từ năm 2020-2023.
Dự án được triển khai ở cấp Trung ương thông qua việc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT và ở cấp địa phương với 10 khu vực thuộc 9 tỉnh/thành phố, bao gồm: 7 thành phố/quận (huyện): Huyện A Lưới (Thừa Thiên -Huế), quận Thanh Khê (Tp. Đà Nẵng), Tp. Đồng Hới (Quảng Bình), Tp. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Tp. Tân An (Long An), Tp. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Tp. Tuy Hoà (Phú Yên) và 3 Khu Bảo tồn biển: Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang). Dự án bao gồm 4 hợp phần: Truyền thông; Chính sách; Đô thị giảm nhựa; Thủy sản và Khu bảo tồn biển.
Phát biểu khai mạc hội thảo. Bà Phạm Thu Hằng cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo và WWF- Việt Nam tổ chức hội nghị thường niên để nghe báo cáo tình hình thực hiện của dự án đến thời điểm hiện tại, đánh giá tồn tại vướng mắc, giải pháp thực hiện, đồng thời đây là cơ hội để hai bên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi, phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biển trong đó có quản lý rác thải nhự đại dương. Bà Phạm Thu Hằng mong muốn dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung nhiệm vụ và mục tiêu dự án để vừa đảm bảo về tiến độ thời gian và hiệu quả đề ra của dự án. Đồng thời, hội thảo để hai bên đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong năm qua và thống nhất phương hướng thực hiện các hoạt động dự kiến trong các năm tiếp theo, xây dựng kế hoạch chi tiết cho năm 2023 đồng thời đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện dự án trong năm tới.
Hỗ trợ tích cực việc xây dựng các cơ chế, chính sách về nhựa
Theo Ông Phạm Mạnh Hoài, đại diện WWF-Việt Nam, phụ trách quản lý Hợp phần II – Chính sách quản lý chất thải rắn và EPR, thời gian qua, WWF đã triển khai các hoạt động bao gồm: Khởi động nghiên cứu về vai trò và trách nhiệm pháp lý của ngành bao bì trong quản lý chất thải tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng khung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Khởi xướng các cuộc thảo luận về dự thảo chính sách đề xuất với các cơ quan ra quyết định chính sách cấp trung ương và địa phương; Tăng cường hợp tác quốc tế về chia sẻ kiến thức và thông tin liên quan đến vấn đề xuyên biên giới về ô nhiễm rác nhựa đại dương.
Dự án đã đóng vai trò nòng cốt của WWF-VN tham gia hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời các nhiệm vụ của Việt Nam liên quan đến việc xây dựng các văn bản pháp luật, kế hoạch quốc gia, các kế hoạch hành động cấp tỉnh/thành phố tại các địa phương mục tiêu của Dự án. Các văn bản quy định, hướng dẫn thực thi pháp luật bao gồm: Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT ngày 4/12/2019 thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg về KHHĐQG về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Luật BVMT 2020, bao gồm các điều khoản quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, EPR và KTTH; Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại đương (ban hành bởi Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021); Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết 1 số điều của Luật BVMT 2020 (tích hợp khung EPR); Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030 (ban hành bởi Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/2/2021); Chiến lược BVMT quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành bởi Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022).
Đặc biệt, trong việc Hỗ trợ xây dựng Luật BVMT 2020, các kết quả của Dự án đã mang đến những thay đổi bước ngoặt trong công tác BVMT. Ghi nhận những đóng góp và nỗ lực không ngừng của WWF-Việt Nam trong việc hỗ trợ xây dựng dự luật, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã gửi thư cảm ơn và trao bằng khen tôn vinh WWF-Việt Nam vì “Đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, góp phần vào xây dựng và phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường”.
Truyền thông thay đổi nhận thức với mô hình đa dạng
Đối với Hợp phần truyền thông, Ông Tạ Anh Tuấn- Giám đốc Hợp phần truyền thông cho biết: Dự án đã triển khai xây dựng chiến lược truyền thông dựa trên các kết quả nghiên cứu đầu vào và mục tiêu của dự án. Theo đó, mô hình truyền thông thay đổi hành vi và xã hội được áp dụng trong chiến lược truyền thông nhằm thúc đẩy những thay đổi về kiến thức, thái độ, chuẩn mực, niềm tin và hành vi trong phạm vi của dự án. Kế hoạch truyền thông của dự án được xây dựng trên 3 chiến lược trụ cột: Truyền thông thay đổi hành vi; Huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội; và hỗ trợ xây dựng các Quy định và hướng dẫn về quản lý rác thải nhựa.
Trong hai năm 2020 và 2021, dự án đã triển khai thông điệp “Từ chối và giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần” trong chiến dịch “Giờ Trái Đất”. Thông qua đó, dự án kêu gọi sự tham gia và cam kết mạnh mẽ hơn nữa từ các doanh nghiệp, chính quyền và người dân địa phương để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ Công thương, cùng nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, tương tác cộng đồng, để cùng chia sẻ các thông điệp. Tọa đàm Giờ Trái đất năm 2020 và năm 2021 cũng được phát sóng trên Đài truyền hình Quốc gia với sự đón xem của hàng triệu khán giả toàn quốc. Bên cạnh đó, chương trình truyền thông trên các kênh mạng xã hội cũng đã thu hút và tiếp cận là hàng triệu người.
Đặc biệt, các chiến dịch truyền thông tại địa phương tại Tp. Tân An (Long An) và huyện Côn Đảo, theo đó dự án đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Long An triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông “Phân loại rác vì nhân loại” vào tháng 12/2021 với nhiều hoạt động ý nghĩa nhưng không kém phần mới mẻ và thú vị để hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức của người dân tại Long An trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Trong chiến dịch này, các thông điệp được truyền tải thông qua các chất liệu văn hóa dân gian nên vừa mới mẻ, vừa thân quen với người dân địa phương. Các câu ca dao, tục ngữ vui nhộn được “tái chế” thành những bức tranh cổ động, để thúc đẩy người tiêu dùng thực hành phân loại rác thải trong sinh hoạt. Ngoài ra, dự án còn mang đến ca khúc Rap mang tên “Phân loại vì nhân loại” được sáng tác từ chính những câu tục ngữ ca dao nói trên, giúp cho thông điệp khích lệ thói quen phân loại rác lôi cuốn hơn, dễ dàng tác động đến suy nghĩ, hành động của người tiêu dùng trẻ. Chiến dịch đã tiếp cận được với 300.000 lượt người trên kênh mạng xã hội, 125.000 lượt xem video, cùng với đó là 13 bài báo được đăng tải trên các kênh báo chí.
Từ các kết quả nghiên cứu hành vi người tiêu dùng nhựa dùng 1 lần mà dự án đã thực hiện, có thể thấy ở những nơi có các phong trào bảo vệ môi trường, có các chương trình và hoạt động truyền thông thì nhận thức, thái độ và hành vi của các nhóm đối tượng truyền thông mục tiêu đều trở nên tích cực hơn. Điều này cho thấy các tác động truyền thông và hoạt động cộng đồng có khả năng ảnh hưởng rõ ràng đến người dân và cộng đồng. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra một triển vọng rằng nếu có các tác động thường xuyên, cụ thể, rõ ràng ở nhiều phương diện (gia đình, cộng đồng, nhận thức, thái độ, phổ cập tin tức, thông tin…), người dân có thể thay đổi hành vi theo xu hướng tích cực và bền vững hơn.
Tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của WWF – Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp của các đơn vị liên quan cùng với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Trong khuôn khổ dự án, phía WWF sẽ tiếp tục đồng hành và huy động các nguồn lực để triển khai các hoạt động sâu rộng tại các địa phương, Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy mong rằng trong thời gian tới, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng với sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo địa các phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung triển khai các hoạt động trọng tâm, tạo được các dấu ấn, các kết quả những kết quả vượt ra ngoài mong đợi của Dự án và các kết quả đó sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng sau khi kết thúc Dự án.