Có 4 chỉ tiêu thành phần tăng thứ hạng từ 9 – 36 bậc so với năm 2021, song chỉ số tiếp cận đất đai của Vĩnh Phúc năm 2022 chỉ đạt 6,99 điểm, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, giảm 0,57 điểm, giảm 24 bậc so với năm trước. Phấn đấu chỉ số tiếp cận đất đai và các chỉ tiêu hợp thành đạt được điểm số và thứ hạng nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành phố trên cả nước, Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho từng sở, ngành chức năng.
Thuận lợi trong công tác BT, GPMB sẽ góp phần thăng hạng các chỉ tiêu thành phần của chỉ số tiếp cận đất đai.
Năm 2022, Vĩnh Phúc đã xây dựng Phương án kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở chỉ tiêu quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh.
Đồng thời, phê duyệt phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trong phương án Quy hoạch tỉnh, dự kiến phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cho các huyện, thành phố làm cơ sở để thực hiện việc thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các tổ chức kinh tế có nhu cầu đầu tư hoạt động trên địa bàn.
Các huyện, thành phố đã tập trung rà soát danh mục các công trình dự án trong kỳ kế hoạch sử dụng đất cần thực hiện để trình UBND tỉnh phê duyệt, 9/9 huyện, thị đã được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.
Việc thực hiện công khai thông tin đất đai luôn được thực hiện kịp thời, tạo điều kiện cho DN tiếp cận thông tin đất đai được dễ dàng như công khai việc cho thuê đất, đấu giá đất và các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các loại hình dự án, vùng dự án theo quy định; công khai mặt bằng sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có nhu cầu sử dụng đất trong lựa chọn vị trí cũng như hoàn thiện hồ sơ về đất đai cho các dự án SXKD.
Trong năm 2022, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết 43 vụ việc vướng mắc về cơ chế, chính sách trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB); 32 nội dung vướng mắc do UBND cấp huyện báo cáo, trong đó tập trung về xác định nguồn gốc đất đai; vướng mắc trong việc di chuyển, hoàn trả các công trình hạ tầng KT – XH đang sử dụng trong phạm vi GPMB; thực hiện GPMB cho 361 dự án, công trình phát triển KT – XH. Đặc biệt, nhiều dự án vướng mắc kéo dài trong GPMB đã được giải quyết và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư…
Nhờ đó, 4/14 chỉ tiêu thành phần của chỉ số tiếp cận đất đai có sự thăng hạng vượt bậc so với năm 2021. Cụ thể, số ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2021.
Điều này cho thấy việc cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, DN đã được quan tâm và có cải thiện, khẳng định sự nỗ lực của Sở TN&MT trong việc rút ngắn thời gian, giảm bớt quy trình thực hiện và tạo mọi điều kiện cho DN đến làm thủ tục hành chính trên địa bàn.
Vươn lên đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, và tăng 32 bậc so với năm 2021 là chỉ tiêu DN tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh bởi 65% DN có ý kiến cho rằng không gặp cản trở về tiếp cận đất đai và mở rộng mặt bằng kinh doanh.
Chỉ tiêu thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định – Biến mới năm 2021 cũng tăng 29 bậc, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Tăng cao nhất là chỉ tiêu tỷ lệ DN thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục với 36 bậc, xếp hạng 8 trong toàn quốc.
Tuy nhiên, hiện nay đơn giá BT của Vĩnh Phúc so với Hà Nội còn thấp hơn rất nhiều do đó công tác BT, GPMB vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, diện tích tự nhiên của tỉnh nhỏ so với mặt bằng cả nước khiến quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp hạn chế.
Cơ sở dữ liệu đất đai đang bước đầu được xây dựng hoàn thiện, nguồn lực về con người, máy móc trang thiết bị còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, chính sách, pháp luật về đất đai thay đổi nhiều qua các thời kỳ, nguồn gốc đất do lịch sử để lại rất phức tạp, công tác quản lý đất đai tại địa phương còn nhiều bất cập không có đủ hồ sơ, GCNQSDĐ, không có ranh giới rõ ràng, qua nhiều chủ sử dụng đất…
Đây cũng là nguyên nhân khiến 10/14 chỉ tiêu của chỉ số tiếp cận đất đai bị tụt hạng so với năm 2021, thậm chí có chỉ tiêu giảm tới 49, 50 bậc.
Phấn đấu chỉ số tiếp cận đất đai đạt được điểm số và thứ hạng nằm trong tốp 10 trong các tỉnh, thành phố trong thời gian tới, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch đất đai phát triển công nghiệp.
Thường xuyên quan tâm và chỉ đạo quyết liệt công tác tiếp cận đất đai; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao việc ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức.
Đối với UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành chức năng tăng cường công tác vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai đến người dân; phối hợp với chủ đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện công tác GPMB và chủ động giải quyết vướng mắc ngay trong quy trình thực hiện.
Cùng với đó, chủ động phối hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; tăng cường bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm công tác BT, hỗ trợ tái định cư…
Bài, ảnh: Hồng Tính