SGGP
Từ ngày 16 đến ngày 18-8, Báo SGGP đăng vệt thông tin phản ánh thực trạng một số nhà xe cấp cứu lạm thu khiến người bệnh gặp khó khăn. Theo đánh giá của Bộ Y tế, cấp cứu ngoại viện là hoạt động không thể thiếu và có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống cấp cứu nhằm nâng cao cơ hội sống cho người bệnh cấp cứu. Tuy nhiên, thực tế mạng lưới cấp cứu ngoại viện tại nước ta đang còn rất mỏng và gặp nhiều khó khăn về hoạt động, dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc như thời gian qua.
Nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM đang kiểm tra trang thiết bị y tế trước khi đến hỗ trợ người dân. Ảnh: BÙI TUẤN |
Nhân lực thiếu, vật lực yếu
Mỗi ngày, tại Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM tiếp nhận hàng ngàn cuộc gọi cần hỗ trợ từ người dân trên địa bàn thành phố, trong đó có khoảng 100-150 ca cấp cứu được đơn vị hỗ trợ trực tiếp. Tùy theo khu vực, tổng đài viên sẽ điều phối xe của trung tâm hoặc trạm cấp cứu vệ tinh gần người bệnh nhất để vận chuyển tới các cơ sở y tế cấp cứu kịp thời. Trung bình mỗi ca, xe cấp cứu sẽ có mặt để hỗ trợ người dân trong khoảng thời gian từ 15-30 phút kể từ khi nhận cuộc gọi.
Theo đại diện Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM, tổng số xe của trung tâm và các trạm vệ tinh là 79 xe, trong đó số xe của trung tâm là 40 xe, với gần 200 nhân sự.
Theo bác sĩ Lê Huy Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM, hiện trung tâm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần hỗ trợ cấp cứu của người dân trên địa bàn TPHCM. Mặc dù đã hình thành được mạng lưới cấp cứu vệ tinh phủ khắp các quận, huyện với 39 trạm, nhưng đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, y tá còn thiếu; trang thiết bị y tế ở một số trạm vệ tinh còn yếu, chưa đảm bảo phục vụ cho công tác sơ cấp cứu.
“Với số lượng gọi cấp cứu ngày càng tăng nhưng trung tâm hiện chỉ có một hệ thống tổng đài tiếp nhận, điều phối với 12 đường truyền, chưa có hệ thống dự phòng và vẫn đang sử dụng công nghệ thô sơ”, bác sĩ Lê Huy Nguyễn Tuấn thông tin.
Nhận định về cấp cứu ngoại viện, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng, vận chuyển cấp cứu có vai trò rất quan trọng trong hệ thống khám chữa bệnh nhưng đáng lo ngại khi hiện cả nước vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố chưa có trung tâm cấp cứu 115.
Thống kê toàn quốc hiện mới có 11 tỉnh có trung tâm cấp cứu 115 công lập, 18 bệnh viện đa khoa tỉnh có tổ cấp cứu 115, 7 tỉnh có trung tâm cấp cứu tư nhân 115. Cả nước còn 27 tỉnh chưa có hệ thống cấp cứu trước viện. Đặc biệt, có đến 17 tỉnh, thành phố không đảm bảo số xe cứu thương, đa phần ở các thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về nguồn nhân lực và trang thiết bị, toàn mạng lưới cấp cứu ngoại viện có hơn 6.000 người, trong đó bác sĩ có chứng chỉ hồi sức cấp cứu chiếm khoảng 62%, và có trên 1.350 xe cứu thương.
“Công tác cấp cứu vẫn gặp nhiều khó khăn. Ở khu vực thành phố, mật độ giao thông và dân cư cao nhưng phương tiện vận chuyển còn hạn chế . Ở khu vực nông thôn, khó tiếp cận dịch vụ do ở cách xa trung tâm cấp cứu dẫn đến khó đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu trước viện”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết.
Đa dạng hóa các loại hình cấp cứu
Theo ông Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, những năm gần đây, số lượt yêu cầu cấp cứu của trung tâm khoảng 40.000 ca/năm, tỷ lệ người bệnh được xử lý cấp cứu ban đầu đạt trên 88%. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các trạm cấp cứu 115 đã thực hiện cấp cứu ngoại viện và vận chuyển cấp cứu hơn 10.565 bệnh nhân, với 15.333 chuyến cấp cứu.
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã đưa Trạm cấp cứu 115 khu vực Đông Anh vào hoạt động và đây là trạm cấp cứu ngoại viện thứ 8 được bao phủ trên địa bàn thành phố. Hiện trên địa bàn Hà Nội có Trung tâm cấp cứu 115 và 7 trạm cấp cứu 115 các khu vực Đống Đa, Tây Hồ, Hà Đông, Thanh Trì, Long Biên, Từ Liêm và Đông Anh.
Còn theo bác sĩ Lê Huy Nguyễn Tuấn, hiện nay Tổng đài cấp cứu 115 phụ trách toàn bộ nhu cầu cần hỗ trợ của người dân trên địa bàn TPHCM, do vậy, việc thành lập thêm các trung tâm cấp cứu 115 phụ trách vùng là rất cần thiết.
Ngành y tế TPHCM đang rất kỳ vọng vào đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp đến năm 2030. Nếu được UBND TPHCM phê duyệt, đây sẽ là giải pháp căn cơ, nhằm nâng cao năng lực cấp cứu ngoại viện.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện đa dạng hóa từ đường bộ, đường thủy, đường không, theo hướng chuyên nghiệp hiện đại là nhiệm vụ không thể thiếu của ngành y tế TPHCM. Ngành y tế thành phố chủ động đặt ra 5 mục tiêu xây dựng mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện, bao gồm: hình thành hệ thống các trung tâm cấp cứu 115 và xây dựng cổng tiếp nhận, điều phối cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ cấp cứu ngoài bệnh viện của các trạm cấp cứu vệ tinh, các cơ sở vận chuyển cấp cứu tư nhân; đa dạng hóa các loại hình vận chuyển cấp cứu người bệnh (đường bộ, đường thủy, đường không), đảm bảo nhu cầu và phù hợp đặc điểm địa lý của TPHCM.