Quang cảnh hội nghị tập huấn
Nhằm nâng cao hoạt động sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới và đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ trong tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) An Giang vừa phối hợp Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức hội nghị tập huấn “Khai thác và sử dụng thông tin sáng chế”. Có 65 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; tổ chức KH&CN, doanh nghiệp (DN) KH&CN và các DN, tác giả có giải pháp kỹ thuật tham dự.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe các chuyên gia của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cung cấp kiến thức xoay quanh 4 chuyên đề: Tổng quan về sáng chế; thông tin sáng chế và khai thác thông tin sáng chế; nền tảng IPPlatform, hướng dẫn tra cứu thông tin sáng chế trên nền tảng IPPlatform; tư vấn xác lập và quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế; khai thác và áp dụng các sáng chế đã hết thời hạn bảo hộ.
Sở KH&CN An Giang cho biết, qua hội nghị, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin sáng chế trong nghiên cứu, công tác quản lý nhà nước, cũng như các hoạt động xác lập, quản lý quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế cho các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, cao đẳng, DN, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.
ThS Bùi Tiến Quyết (Trưởng phòng Đào tạo thông tin – Viện Khoa học sở hữu trí tuệ)cho biết, việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế nhằm tìm kiếm sự công nhận của pháp luật đối với quyền sở hữu công nghiệp và sự bảo vệ của pháp luật đối với quyền sở hữu công nghiệp được công nhận đối với sáng chế; chiếm giữ độc quyền hợp pháp đối với sáng chế; tạo thuận lợi cho việc chứng minh quyền sở hữu sáng chế khi xảy ra tranh chấp, xâm phạm.
Theo ông Quyết, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế có nhiều lợi ích, như: Thiết lập vị thế và lợi ích cạnh tranh trên thị trường; thu hồi vốn đầu tư và gặt hái nhiều lợi nhuận; tạo khả năng tiếp cận công nghệ mới thông qua chuyển giao chéo và tiếp cận thị trường mới; tạo dựng uy tín, danh tiếng của chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ. Toàn xã hội được tiếp cận những thông tin đầy đủ về bản chất của sáng chế, có cơ hội hưởng thụ những thành quả, thành tựu sáng tạo sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng đồng thời 3 điều kiện: Có tính mới; có trình độ sáng tạo; có khả năng áp dụng công nghiệp. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng đồng thời 2 điều kiện: Có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp.
Theo ThS Bùi Tiến Quyết, 2 điều kiện tiên quyết để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế: Đối tượng nêu trong đơn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ theo luật định; đơn đăng ký đối tượng đó phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức, nội dung và được nộp theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Ông Quyết cũng chỉ rõ, biện pháp bảo vệ hữu hiệu thường được áp dụng với các sáng chế không đăng ký là giữ bí mật để chiếm ưu thế cạnh tranh so với những người không nắm giữ bí mật đó. Trong trường hợp không thể giữ bí mật tuyệt đối (vì lý do đơn đăng ký đã được công bố) thì giữ bí mật đối với các bí quyết kỹ thuật chưa được bộc lộ hoàn toàn và khai thác lợi thế từ việc chiếm giữ quyền sử dụng sáng chế.
ThS Nguyễn Lệ Kim (chuyên gia thông tin sáng chế của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ) chia sẻ lợi ích của việc khai thác và áp dụng sáng chế đã hết thời hạn bảo hộ, được quyền tự do sử dụng sáng chế.
Cụ thể, sản xuất sản phẩm được bảo hộ; áp dụng quy trình được bảo hộ; khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ; lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm theo quy định… Lợi ích của việc khai thác và áp dụng sáng chế đã hết thời hạn bảo hộ là tránh được các chi phí không cần thiết cho việc nghiên cứu những công nghệ, sản phẩm mới có trong bằng độc quyền sáng chế đã hết hiệu lực bảo hộ.
ThS Nguyễn Lệ Kim chia sẻ phương pháp khai thác sáng chế hết thời hạn bảo hộ: “Đọc và hiểu đối tượng cần tra cứu; lựa chọn cơ sở dữ liệu tra cứu – cơ sở dữ liệu sáng chế Việt Nam; xác định từ khóa, IPC; đặt câu lệnh tìm kiếm; thực hiện tra cứu – sàng lọc kết quả; tra cứu tình trạng pháp lý của sáng chế tìm được và kết thúc tra cứu”.