NDO – Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả với nhiều thành quả nổi bật. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng, đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo, về tăng trưởng kinh tế cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại tọa đàm “Tín dụng chính sách xã hội dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 9/11, các đại biểu đánh giá cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội mang lại, đồng thời chỉ ra không ít thách thức và nêu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn này.
Điểm sáng giảm nghèo
Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đến cuối tháng 10/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 375,8 nghìn tỷ đồng, tăng 241,1 nghìn tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,8%/năm.
Điểm nổi bật trong giai đoạn này là 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã quan tâm cân đối, bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Theo đó, số tiền ủy thác đến nay đạt 48,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8%/tổng nguồn vốn, tăng 45,1 nghìn tỷ đồng so trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
“Đây là nguồn lực lớn, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận. |
Với nguồn lực này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 358,9 nghìn tỷ đồng, tăng 229,4 nghìn tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so cuối năm 2014 – thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh hiện nay là 0,55%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,2%/tổng dư nợ.
Theo các đại biểu Quốc hội tham dự tọa đàm, với những thành quả đạt được, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng”, là một “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ giảm nghèo của cả nước từ 14,2% năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Đơn cử tại Trà Vinh, địa phương này đã bố trí nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 633 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã kịp thời chuyển tải chính sách tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng. Hiện dư nợ tín dụng chính sách tại Trà Vinh đạt 4.677 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng so năm 2014, với tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 18%/năm. Hơn 129 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách đang được vay vốn, với tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chỉ 0,18%/tổng dư nợ.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình. |
“Những con số này minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhờ vậy, giai đoạn 2014-2020, tỷ lệ hộ nghèo tại Trà Vinh giảm từ 10,66% xuống còn 1,8%; và từ 2021 đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 1,19%. Đặc biệt, chính sách tín dụng xã hội đã góp phần quan trọng xây dựng Trà Vinh trở thành tỉnh Nông thôn mới”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình khẳng định.
Bà Đoàn Thị Lê An. |
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An cũng chia sẻ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 473,9 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn phát triển sản xuất; góp phần giúp 102,4 nghìn hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 52,3 nghìn lao động; hỗ trợ 22,4 nghìn học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng… Từ đó góp phần quan trọng thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đang cung cấp 19 chương trình cho vay với tổng dư nợ đến cuối tháng 10/2024 đạt 4.606 tỷ đồng với 61.266 hộ còn dư nợ.
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Bên cạnh những thành quả nổi bật, tại tọa đàm, các đại biểu cũng nhìn nhận hiện còn không ít thách thức đối với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và bối cảnh mới cũng đặt ra những yêu cầu mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn này.
Một trong những khó khăn nhất được Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận chia sẻ đó chính là nguồn lực vốn. “Nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhà ở xã hội,…”, ông Thuận cho biết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan. |
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, hiện nay chúng ta thiếu các quy định pháp lý về việc bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Thí dụ Luật Đầu tư công hiện hành không có quy định về bố trí vốn đầu tư công thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội mà chỉ bố trí vốn qua cho việc chi phí quản lý và cấp bù chênh lệch lãi suất, do vậy rất hạn chế.
Ông Phan Đức Hiếu. |
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng bày tỏ mong muốn “có một chỉ thị yêu cầu phải thực hiện nghiêm các chính sách về bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội”. Ngoài ra, để bảo đảm cân đối cơ cấu nguồn vốn, ông Hiếu gợi ý có thể sử dụng kênh trái phiếu Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An cũng cho hay, hiện mức vay của một số chương trình, chính sách còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa phù hợp với tình hình thực tế và giá cả thị trường, như cho hộ nghèo vay làm nhà ở, cho vay làm công trình vệ sinh và nước sạch,… Vì vậy, người dân mong muốn nâng mức cho vay với các chương trình này.
Bên cạnh đó, bà An đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình làm nông – lâm – ngư nghiệp. Đối tượng cho vay hiện nay đã mở rộng, tuy nhiên với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hay ở hải đảo thì điều kiện còn khó khăn nên cần có chính sách cho các hộ gia đình có mức sống trung bình vay vốn để họ có vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tránh tái nghèo.
Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-cua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-post844086.html