Cùng dự buổi gặp mặt có đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ, lãnh đạo các cơ quan báo chí thuộc Bộ và đông đảo các nhà báo, phóng viên, biên tập viên Trung ương và Hà Nội.
Chủ động, sáng tạo, hiệu quả bền vững
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL đã báo cáo về những kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ VHTTDL.
Theo đó, thực hiện chủ đề công tác năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị; dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên nhiều phương diện: Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc tiếp tục được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển, quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước và phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa. Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy mạnh mẽ, thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực. Du lịch Việt Nam chứng kiến sự phục hồi, phát triển ấn tượng trong những tháng đầu năm 2024.
Về công tác xây dựng thể chế, Bộ VHTTDL tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thiện nhiều văn bản quản lý nhà nước về VHTTDL. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ VHTTDL đã tham mưu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư CTMTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 09 Quyết định và 01 Chỉ thị; Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền 01 Thông tư. Bộ cũng đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 04 đề án, đang hoàn thiện 03 đề án trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành.
Trong lĩnh vực Văn hóa, gia đình, Bộ VHTTDL đã xây dựng 02 Thông tư; thẩm định, góp ý 63 dự án, Báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích. Phê duyệt 03 nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) cho 29 hiện vật và nhóm hiện vật. Lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024. Quyết định xếp hạng 12 di tích quốc gia; cấp 05 quyết định thăm dò, khai quật khảo cổ cho các tỉnh/thành phố; đưa 35 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.
Trình Chính phủ dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi). Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Ban hành Quy chế số 1853/QCPH-BVHTTDL-BLĐTBXH ngày 03/5/2024 về việc phối hợp trong thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em giữa Bộ VHTTDL và Bộ LĐTBXH.
Bộ cũng đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 10 và nhiều cuộc thi, hội thi, liên hoan, tuần phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các ngày kỷ niệm của ngành.
Lĩnh vực Thể dục, thể thao: phong trào thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi từ Trung ương đến địa phương và đạt nhiều kết quả.
Với định hướng chú trọng đầu tư trọng tâm, trọng điểm các môn thể thao Olympic để tham dự vòng loại Olympic 2024, Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á tại Thái Lan và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2024. Phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức các giải thể thao quốc gia, quốc tế tổ chức tại Việt Nam và lớp tập huấn theo kế hoạch. Kết quả thi đấu quốc tế 5 tháng đầu năm 2024, Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được 57 huy chương vàng, 55 huy chương bạc, 71 huy chương đồng. Tính đến nay, Thể thao Việt Nam đã có 12 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024 ở các môn: Bắn Súng, Xe đạp, Bơi, Boxing, Cử tạ, Đua thuyền, Cầu lông.
Trong lĩnh vực Du lịch, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 06/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch; Kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024 tại Điện Biên; Kế hoạch tổng thể điều tra tài nguyên du lịch; Quyết định công nhận khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Xây dựng 04 Thông tư và đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam”. Phối hợp tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2024 và Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên: Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững”. Nhiều quy chế, kế hoạch được ban hành.
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế ước đạt 7,58 triệu lượt, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 52,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng.
Tăng tốc, sáng tạo, về đích
Trong quý III năm 2024, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Chương trình hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện triển khai hiệu quả 06 nhóm nhiệm vụ và 04 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, với phương châm “Tăng tốc, sáng tạo, về đích”, tích cực góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Tập trung xây dựng các văn bản, đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024, tập trung hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, đề án trong Quý III/2024.
Tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 sau khi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Nhiều hoạt động được tổ chức như: Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm tại tỉnh Ninh Thuận; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn; Liên hoan nghệ thuật Hát then, Đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam; Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc; Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII…
Bộ cũng chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024; tiếp tục chuẩn bị lực lượng tham dự vòng loại Paralympic tại Pháp, Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ VI (AIMAG6) tại Thái Lan và các giải thể thao quốc tế năm 2024.
Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; Tổ chức trao giải thưởng du lịch Việt Nam năm 2024. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch.
Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông VHTTDL
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy gửi lời chúc mừng tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Thứ trưởng cũng cảm ơn sự đồng hành, quan tâm của các cơ quan báo chí đối với ngành VHTTDL trong thời gian qua. Đồng thời Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, trong quá trình triển khai nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao cho Bộ VHTTDL, Lãnh đạo Bộ VHTTDL rất vui mừng và ghi nhận sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan báo chí, các nhà báo, biên tập viên, phóng viên với ngành.
Theo Thứ trưởng, nhờ sự đồng hành của các cơ quan báo chí, kịp thời tuyên truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa của đất nước, theo đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, thời gian qua, vai trò của văn hóa trong đời sống kinh tế, xã hội và nhận thức của các cấp ủy đảng, Nhân dân ngày càng nâng lên.
Thứ trưởng cũng bày tỏ sự chia sẻ cùng các cơ quan báo chí trong bối cảnh phát triển công nghệ số, các cơ quan báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước cơ hội nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi phải có sự cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới. Thứ trưởng mong muốn đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tiếp tục thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, giữ ngòi bút sáng, tấm lòng trong, góp phần tuyên truyền hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như các hoạt động của ngành VHTTDL.
Thứ trưởng khẳng định, trong năm 2024, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý nhà nước về VHTTDL, lãnh đạo Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khơi thông nguồn lực, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đặc biệt là quan tâm đến cơ sở, hướng về cơ sở. Vì vậy, Bộ VHTTDL mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng Bộ VHTTDL trong công tác tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách.
“Đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp ủy đảng về các chính sách phát triển VHTTDL. Lãnh đạo Bộ VHTTDL luôn cầu thị, tiếp thu các ý kiến phản biện đồng thời luôn luôn chỉ đạo các cơ quan quản lý giải đáp những vướng mắc, những vấn đề mà báo chí quan tâm một cách kịp thời, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng luôn quán triệt”- Thứ trưởng chia sẻ./.
Nguồn: https://toquoc.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-truyen-thong-vhttdl-20240619113356528.htm