Cầu nối đưa pháp luật đi vào cuộc sống
Báo cáo về tình hình thực hiện Quyết định 407 của Thủ tướng Chính phủ tại toạ đàm, bà Trần Thị Minh Hiền, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cho biết, hoạt động truyền thông chính sách, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng dự thảo chính sách có ý nghĩa quan trọng đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, trong đó phổ biến giáo dục pháp luật là cầu nối đưa pháp luật thật sự đi vào cuộc sống và tổ chức thi hành hiệu quả.
Việc tăng cường tổ chức truyền thông chính sách đã tạo ra cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, phát huy quyền dân chủ, quyền con người, quyền công dân tham gia quản lý Nhà nước.
“Từ đó, tạo sự đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; Góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT”, bà Hiền nhấn mạnh.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 407 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung đẩy mạnh truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để việc triển khai thực hiện được đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2023, Bộ GTVT đã chọn chủ đề “Đẩy mạnh truyền thông chính sách góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi pháp luật”.
Hoạt động truyền thông chính sách nói chung và lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói riêng được Bộ GTVT và cơ quan, đơn vị thuộc Bộ được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức và ngày càng đa dạng hóa, từ truyền thông báo chí, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm đến lấy ý kiến bằng văn bản.
Nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, chủ yếu là các chính sách mới hoặc các chính sách được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ so với quy định hiện hành có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; Những vấn đề khó, nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến ngành GTVT.
Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản biện xã hội về dự thảo chính sách được đề xuất, đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, không né tránh, giải trình và xử lý chính xác các nội dung ý kiến góp ý, đảm bảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khi trình Bộ trưởng và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành không còn các ý kiến khác nhau.
Việc phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí cũng được Bộ GTVT quan tâm, đồng thời, chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng theo lĩnh vực, địa bàn, nhóm đối tượng.
Theo bà Hiền, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.
Tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan báo chí để công tác truyền thông dự thảo chính sách ngày càng hiệu quả, kịp thời truyền tải các chính sách, các vấn đề được xã hội quan tâm đến với người dân, doanh nghiệp cũng như định hướng dư luận xã hội.
Về kiến nghị, bà Hiền cho biết, nguồn lực tài chính bố trí cho công tác truyền thông chính sách mặc dù đã được quan tâm bước đầu nhưng vẫn còn hạn chế do hiện nay chưa có nguồn kinh phí riêng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.
Do đó, kiến nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn chi tiết hơn kinh phí từ ngân sách đáp ứng hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội.
Tại tọa đàm, đại diện Cục Đường bộ VN, Cục Đường thủy nội địa VN, Báo Giao thông… cũng trình bày công tác thực hiện truyền thông chính sách tại đơn vị và nêu một số khó khăn, đề xuất kiến nghị. Bộ Tư pháp và các thành viên Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã phát biểu, làm rõ các vấn đề được nêu tại tọa đàm.
Truyền thông chính sách phải thực hiện từ sớm, từ xa
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận buổi toạ đàm, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá cao Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ GTVT thời gian qua đã quan tâm, chú trọng đến công tác truyền thông chính sách, phổ biến các quy định văn bản pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khi thực hiện truyền thông chính sách cần tuân thủ quy trình 5 bước sao cho hiệu quả.
Thừa nhận vấn đề kinh phí đang là khó khăn chung được nhiều bộ, ngành nêu trong thực hiện truyền thông chính sách, ông Nguyên cho biết, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để tham mưu cơ chế, để có hướng dẫn chi tiết hơn về kinh phí đáp ứng hoạt động truyền thông chính sách cho các bộ, ngành.
Song song với đó, ông Nguyên cho rằng, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ cần trao đổi để tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT có ngân sách cho công tác truyền thông chính sách, đồng thời, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tăng cường xã hội hoá trong khi thực hiện các hội thảo, toạ đàm, hội nghị phổ biến quy định pháp luật.
Về thời gian truyền thông chính sách, ông Nguyên lưu ý cần phải tổ chức truyền thông từ sớm, từ xa để tiếp nhận hiệu quả ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, từ đó, có những điều chỉnh kịp thời sao cho phù hợp với thực tiễn, để khi văn bản ban hành nhận được sự đồng thuận cao.
Ghi nhận kiến nghị của Bộ GTVT, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật trong điều kiện, bối cảnh mới.
Ông Nguyên cũng đề nghị Bộ GTVT tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa các đơn vị trong bộ và với các bộ, ngành khác để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông chính sách.