Đầu tư xây dựng hệ thống hồ chứa
Quảng Ninh là tỉnh được đánh giá có trữ lượng nước ở mức trung bình cao so với cả nước. Theo báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện toàn tỉnh có 67 sông, suối nội tỉnh với 6 sông, suối nội tỉnh thuộc lưu vực sông lớn; 176 hồ chứa nước đang hoạt động hoặc đang đầu tư xây dựng với tổng dung tích hữu ích trên 323 triệu m3. Tổng năng lực thiết kế tưới trên 25.000ha đất sản xuất nông nghiệp, cho nuôi trồng thủy sản 1.500ha. cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt là gần 80 triệu m3.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh Ngọc Thái Hoàng cho biết: Xác định được tầm quan trọng của tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực tài nguyên nước. Cùng với đó, tỉnh cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương để đầu tư thực hiện dự án điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án “Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo Đề án, dự kiến giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng mới nhiều hồ chứa nước. Cụ thể, khu vực phía Tây TP. Hạ Long – TP. Uông Bí – TX. Quảng Yên dự kiến đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000m3/ngày đêm, xây dựng tuyến ống hòa mạng với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho; khu vực huyện Ba Chẽ sẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm (dung tích 1,2 triệu m3); huyện Hải Hà sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi (dung tích 7 triệu m3) và hồ Quảng Thành (dung tích 5 triệu m3); khu vực Cô Tô xây dựng hồ chứa nước C22 (dung tích 0,3 triệu m3); khu vực Vân Đồn hoàn thiện việc xây dựng hồ Đồng Dọng.
Ngoài ra, khu vực phía Đông TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả. Mặt khác, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tích hợp Quy hoạch tài nguyên nước vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Bên cạnh công tác kiểm tra, rà soát, Sở TN&MT Quảng Ninh đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan về tài nguyên nước đến tổ chức, cá nhân có hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, cũng như phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm rà soát, đôn đốc, xử lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Là địa phương có nguồn tài nguyên nước dồi dào, việc bảo vệ tài nguyên nước đã và đang được TX. Đông Triều cùng các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả. Theo quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Quảng Ninh, tổng lượng nước của TX. Đông Triều là trên 439 triệu m3. Trên địa bàn thị xã có 28 hồ chứa với tổng dung tích gần 34 triệu m3. Nguồn nước mặt cấp nước sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ sông Trung Lương và hồ Bến Châu, cung cấp cho tưới tiêu trong nông nghiệp, phục vụ sản xuất công nghiệp và của nhân dân trên địa bàn thị xã.
Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, TX. Đông Triều đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước thủy lợi được giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều. Hiện, Công ty được giao quản lý khai thác 18 hồ đập vừa và nhỏ, với tổng dung tích trữ nước khoảng 35,8 triệu m3, hằng năm cung cấp nước tưới cho khoảng 6.200ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nhằm đảm bảo, giữ gìn chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, Công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân không xả thải, lấn chiếm kênh mương, tăng cường quản lý bảo vệ các công trình thủy lợi, nắm bắt các trường hợp vi phạm đổ, xả thải để nhắc nhở, báo cáo địa phương xử lý. Đồng thời, phối hợp với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có giải pháp ngăn cấm, xử lý những trường hợp vi phạm quy định bảo vệ nguồn nước.
Để giải quyết nhu cầu của người dân về nước sinh hoạt và nước sản xuất, năm 2019, huyện miền núi Ba Chẽ khởi công xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao là Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm. Công trình có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, còn lại do ngân sách huyện cân đối, bố trí. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2021, đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người dân của 4 xã, tạo nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 70ha lúa 2 vụ và 20ha màu tại xã Lương Mông, giảm ngập lụt cho vùng hạ lưu của địa phương.
Với hàng loạt giải pháp hữu hiệu, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỉnh có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh với hàng loạt dự án lớn về hạ tầng giao thông, đô thị lớn được triển khai xây dựng, áp lực gia tăng dân số dẫn đến gia tăng nhu cầu sử dụng nước.
Để chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ ưu tiên triển khai các công trình đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở rà soát, đánh giá tình hình cung cấp và sử dụng nước, việc khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước – ông Ngọc Thái Hoàng cho biết thêm.