“Vấn đề bản quyền trong môi trường số ảnh hưởng không chỉ đến quyền lợi của các tác giả, các chủ sở hữu quyền, các doanh nghiệp mà còn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế sáng tạo và thương mại điện tử”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, nhận định.
Sáng 6/12/2024, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị – Hội thảo Tuyên truyền, Phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước về Quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT), Hiệp ước về Cuộc biểu diễn và Bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT) và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp khai thác, sử dụng.
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT, Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện một số cơ quan quản lý có liên quan thuộc Bộ VHTTDL; các hiệp hội, hội và tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; các đơn vị quản lý thị trường tại Hà Nội; các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian trên không gian mạng, đơn vị khai thác về quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa…
Hội nghị – Hội thảo là dịp để các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các đơn vị sản xuất, khai thác, sử dụng nội dung số trao đổi, thảo luận góp ý cho việc thực thi bản quyền trên không gian mạng, đặc biệt là nhận diện các hành vi vi phạm nói chung, trên các sàn thương mại điện tử nói riêng, đồng thời tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp phối hợp xử lý.
Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến nhiều công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực, tích cực, chủ động tham gia, hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan
Để các văn bản quy phạm pháp luật và các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam đã tham gia thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước Hiệp ước WCT, Hiệp ước Hiệp ước WPPT và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp khai thác, sử dụng.
Chia sẻ tại Hội nghị – Hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Thương mại điện tử là lĩnh vực đang bùng nổ trên toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho việc kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế mới. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức giao thương và tương tác kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo không ít thách thức, đặc biệt là đối với quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bản quyền là một trong những lĩnh vực được quan tâm rất nhiều.
“Trong môi trường thương mại điện tử, việc bảo vệ bản quyền trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Các tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, bài viết, hình ảnh, video và các sản phẩm trí tuệ khác dễ dàng bị sao chép, phân phối mà không có sự kiểm soát đầy đủ. Những hành vi xâm phạm bản quyền, như việc tải lên, sao chép và phát tán trái phép các sản phẩm trí tuệ, đang gây thiệt hại lớn cho các chủ sở hữu bản quyền và làm suy yếu nền kinh tế sáng tạo”, bà Phạm Thị Kim Oanh nói.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, bảo vệ bản quyền trong môi trường thương mại điện tử đòi hỏi một sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố pháp lý, công nghệ và trách nhiệm của các bên liên quan. Các công cụ pháp lý hiện tại đã cung cấp một số giải pháp quan trọng, nhưng trong bối cảnh ngày càng có nhiều vi phạm và hành vi xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi hơn, chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển, đồng thời cũng đem đến những thách thức phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.
“Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi và bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử, đặc biệt là khi đối diện với những vi phạm không giới hạn về địa lý và thời gian. Những hành vi xâm phạm bản quyền trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như việc xử lý các vi phạm trên không gian mạng, đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các nền tảng trực tuyến”, bà Kim Oanh nhận định.
Theo Cục phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, để giải quyết vấn đề này, cần có một hệ thống quản lý bản quyền toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, công nghệ, và sự hợp tác quốc tế. Đặc biệt, khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề bản quyền trong môi trường số càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi nó ảnh hưởng không chỉ đến quyền lợi của các tác giả, các chủ sở hữu quyền, các doanh nghiệp mà còn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế sáng tạo và thương mại điện tử.
“Bảo vệ bản quyền trong môi trường thương mại điện tử và hội nhập quốc tế không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế số và thương mại điện tử. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức và các quốc gia trên toàn thế giới”, bà Kim Oanh khẳng định.
Hội nghị – Hội thảo được chia thành 2 phần, phần 1 các chuyên gia trình bày tham luận với các nội dung cơ bản về tổng quan pháp luật Việt Nam, các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, nội dung cơ bản của Hiệp ước WCT, Hiệp ước WPPT; tổng quan về sàn thương mại điện tử và hàng hóa bản quyền; khai thác, sử dụng nội dung số và áp dụng các biện pháp công nghệ trong bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số; xử lý hàng hóa xâm phạm bản quyền trên các sàn thương mại điện tử.
Phần 2 là Tọa đàm Cơ chế phối hợp và giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý xâm phạm bản quyền trên môi trường số, các diễn giả đã trao đổi kinh nghiệm của một số quốc gia về áp dụng các biện pháp công nghệ trong bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Qua đó, đưa ra các đề xuất, giải pháp về khai thác và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 02 Hiệp định song phương và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó phải kể đến 2 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về bản quyền trên internet, đó là việc tham gia WCT năm 2021 và WPPT năm 2022; đó là CPTPP, EVFTA, RCEP…
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/nang-cao-hieu-qua-bao-ve-va-thuc-thi-ban-quyen-trong-moi-truong-so-20241206144007198.htm