Nhà văn Maxim Gorky từng nói rằng “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống”. Thật vậy, nhờ có đọc sách, con người đã chiếm lấy được kho tàng kiến thức vô giá về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của nhân loại, sách đã trở thành người bạn lớn của con người. Văn hóa đọc (VHĐ) đã trở thành thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong xã hội hiện nay. Thời đại công nghệ số như hiện nay đã tác động không nhỏ tới VHĐ của cộng đồng, nhất là giới trẻ.
SÁCH LÀ NGƯỜI BẠN LỚN
Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm VHĐ. Theo tác giả Nguyễn Hữu Viêm, VHĐ là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước.
Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đã tổ chức “Hội sách kí lô miền Nam” thu hút nhiều bạn đọc đến tham quan và mua sách. Ảnh: Duy Nhựt |
Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Còn đối với Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, PGS.TS Phạm Văn Tình thì văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở. Phải biết đọc sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp nhận tri thức.
Như vậy, dù hiểu ở góc độ hay cách tiếp nhận nào thì có thể hiểu đơn giản rằng, VHĐ đó chính là cách ứng xử một cách có văn hóa của con người thông qua việc đọc sách, giữ gìn và phát huy các giá trị của sách. Trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, thuật ngữ VHĐ đã có sự dịch chuyển, thay đổi ở cách tiếp cận theo xu thế phát triển của công nghệ số. Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, vai trò VHĐ luôn được xem trọng và đề cao. Bởi chính nhờ VHĐ đã giúp con người tích lũy các kiến thức, làm việc và có một lối sống tích cực, tốt đẹp và nhân văn.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm việc xây dựng và phát triển VHĐ, nhiều văn bản đã được ban hành. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định 284 lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách và VHĐ Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014, Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển VHĐ trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, năm 2018, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 115 về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển VHĐ trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, việc xây dựng và phát triển VHĐ được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình phát triển sự nghiệp văn hóa của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
VHĐ THỜI CÔNG NGHỆ SỐ
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách; trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm. Như vậy, có thể thấy, việc đọc sách của người Việt chúng ta hiện nay là khá thấp.
Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, năm 2023, với thông điệp: “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn”, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi phong phú, ý nghĩa như: Vận động đóng góp sách, thăm và tặng sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt; các đơn vị in và phát hành sách chủ động tham gia các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tổ chức tháng tri ân khách hàng, tháng phát hành, tuần lễ phát hành sác |
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy, có đến 70% người Việt Nam sử dụng Internet nằm trong tốp đầu của các nước trên thế giới. Như vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mọi người chỉ cần lên mạng là có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng. Việc này không chỉ phổ biến ở người lớn mà ngay cả giới trẻ cũng vậy. Điều này cho thấy thực tế là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ lười đọc sách. Tuy nhiên, cũng chính từ quá trình chuyển đổi số cũng đã tạo ra sự thay đổi về đọc sách; theo đó nhiều người trẻ đã tiếp cận VHĐ trên các nền tảng công nghệ số.
Bạn Nguyễn Huy Hoàng, sinh viên năm 3, Trường Đại học Tiền Giang cho biết: “Thời đại công nghệ số, VHĐ đã có sự dịch chuyển từ thói quen đọc sách truyền thống đến đọc sách điện tử. Không cần phải đến nhà sách như lúc trước nữa, các nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, đặc biệt là sách nói. Các tài liệu này rất nhanh chóng, giúp mọi người ít tốn thời gian hơn”.
Đứng trước những thay đổi của công nghệ số đã tạo ra nhiều thay đổi trong VHĐ, đặc biệt là đối với giới trẻ. Việc tồn tại song hành hai loại hình sách truyền thống và sách điện tử đã tạo ra sự lựa chọn phong phú hơn cho người dùng. Thế nhưng, không ít người lại băn khoăn cho rằng, thói quen đọc sách theo lối truyền thống vẫn tốt hơn so với các loại hình sách điện tử dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nếu như không sử dụng đúng cách.
Theo Thạc sĩ Võ Văn Sơn, giảng viên bộ môn Văn hóa – Du lịch, Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ: “Dù sách tồn tại ở bất kì loại hình nào nhưng quan trọng vẫn là cách khai thác, sử dụng của con người. Và quan trọng hơn là các nhà xuất bản không ngừng nâng cao chất lượng để có những quyển sách hay, tốt nhất đến tay độc giả”.
NÂNG CAO VHĐ
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng nhiều giải pháp nâng cao VHĐ cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với giới trẻ. Các hoạt động không chỉ đơn thuần dừng ở việc tổ chức ngày hội sách, trưng bày sách mà còn tạo ra nhiều sân chơi bổ ích để giao lưu, nâng cao VHĐ.
Giờ đọc sách của học sinh Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. |
Tại Thư viện tỉnh Tiền Giang, để thu hút việc đọc sách của học sinh, sinh viên, hằng năm, Thư viện tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Ngày hội sách, Hè vui đọc sách phát triển kỹ năng, trưng bày sách, báo nhân các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước…; phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông, các nhà sách trên địa bàn tổ chức trưng bày, giới thiệu và bán sách giảm giá cho bạn đọc…
Trường học là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, truyền đạt những ý nghĩa, thông điệp của VHĐ. Theo ngành Giáo dục, tại 532 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, bằng các nguồn kinh phí được đầu tư thư viện để giáo viên, học sinh đến đọc sách, học tập và nghiên cứu; 100% trường phổ thông có thư viện, trong đó có 331 trường phổ thông có thư viện đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 100%.
Tuy được quan tâm đầu tư nhưng hệ thống thư viện trường học vẫn còn một số hạn chế về đầu sách, không gian, phong cách phục vụ… Do đó, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ quan tâm đầu tư kinh phí, tìm kiếm mô hình để VHĐ của tỉnh nhà ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt, là các trường học cần tạo ra nhiều cách làm hay, hiệu quả để đưa việc đọc sách trong trường học trở thành phong trào ngày càng lan tỏa…
Theo cô Tô Thị Bảy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), từ đầu năm 2020 đến nay, nhà trường đã đầu tư hơn 4.500 đầu sách với đầy đủ thể loại như: Truyện ngắn, truyện tranh, báo, tạp chí, thơ… Không gian thư viện được bố trí theo hướng mở nhằm giúp học sinh có thể chọn cho mình những góc đọc thật thoải mái. Định kỳ hằng tháng, nhà trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa về sách như: Kể chuyện theo sách, tìm hiểu về sách… để các em phát triển tư duy và vận dụng hiệu quả vào học tập.
VHĐ trong mọi điều kiện của lịch sử đều có vai trò, vị trí quan trọng, đó là một trong những vấn đề cốt lõi để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, các cấp, các ngành cần có giải pháp nâng cao, phát huy hơn nữa các gái trị của VHĐ.
V.PHƯƠNG
.