Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long:
Cần tư duy và có cách tiếp cận khoa học về giá trị kinh tế của tài nguyên nước.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung thêm các quy định về các công cụ kinh tế, các chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế – xã hội theo nguyên tắc kinh tế thị trường.
Tôi cho rằng, việc bổ sung quy định này là rất cần thiết để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thái độ ứng xử của các tổ chức, cá nhân đối với tài nguyên nước, đây là một trong các nguồn tài nguyên quan trọng và quý giá hàng đầu của quốc gia cùng với tài nguyên đất đai. Từ đó có tư duy và cách tiếp cận khoa học, phù hợp thực tiễn về giá trị kinh tế của tài nguyên nước cũng như việc bảo vệ, khai thác, sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, bền vững tài nguyên nước, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân.
Đồng thời, những quy định mới này cũng góp phần tính đúng, tính đủ chi phí tài nguyên nước trong giá thành các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường để tránh làm lãng phí, thất thoát nguồn lực Nhà nước cũng như hạn chế các rủi ro cho các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam khi hội nhập vào thị trường quốc tế; tránh bị từ chối hoặc bị áp thêm các sắc thuế do vi phạm các quy định về sử dụng tài nguyên nước theo thông lệ quốc tế.
Để nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế – xã hội, đưa tài nguyên nước trở thành tài nguyên quý giá của quốc gia, theo tôi, trong chương VI, về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, Ban soạn thảo chỉ nên quy định những hoạt động nào cần kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư cho tương thích với pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và để khi Luật ban hành thì có tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các địa phương. Cùng với đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, phân định rõ hơn về việc quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang:
Cân nhắc mở rộng việc thu tiền, cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại Điều 66. Theo điểm b khoản 1 Điều 66 Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) thì tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong trường hợp khai thác nước để phục vụ hoạt động nông nghiệp, cấp nước cho sinh hoạt, chỉ trừ một số trường hợp theo quy định.
Tôi nhận thấy, theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 65 Luật Tài nguyên nước hiện hành, đối với lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức, cá nhân chỉ phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác nước dưới lòng đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn. Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 66 Dự thảo Luật đã thay chữ “phi nông nghiệp” tại điểm b khoản 1 Điều 65 Luật hiện hành thành chữ “nông nghiệp“ để sửa từ “khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ sản xuất phi nông nghiệp”, tức là ngoài lĩnh vực nông nghiệp thành “khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ sản xuất nông nghiệp” đã thay đổi lớn về nội hàm của quy định này. Mở rộng đối tượng, lĩnh vực, thu tiền, cấp quyền khai thác tài nguyên nước sang hầu hết lĩnh vực của nông nghiệp.
Đồng thời, Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung tại khoản 2 Điều 83 là “tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho mục đích nông nghiệp sẽ được thực hiện cùng với thời điểm thu sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phí theo quy định của pháp luật về thủy lợi, về giá”. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm trường hợp nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khi khai thác nước để cấp cho sinh hoạt, chỉ trừ một số trường hợp.
Theo tôi, nông nghiệp là lĩnh vực đặc thù liên quan tới nông dân, nông thôn; đến chi phí sản xuất nông nghiệp, thu nhập và đời sống của người nông dân. Bên cạnh đó, nước cũng là nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt thường ngày của người dân, vì vậy, tôi đề nghị đánh giá tác động kỹ, nhất là tác động đối với lĩnh vực nông nghiệp, đối với chi phí, thu nhập của nông dân, hết sức cân nhắc khi Dự thảo Luật mở rộng việc thu tiền, cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong trường hợp khai thác nước để phục vụ hoạt động nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt.
Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang:
Nước là tài sản quý giá cần được bảo vệ, điều tiết, sử dụng, quản lý hài hòa, hợp lý.
Nước là tài sản có giá trị, càng ngày càng có giá trị, đặt ra trách nhiệm của Nhà nước cần bảo vệ, điều tiết, sử dụng, quản lý hài hòa hợp lý. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy. Giao trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi mức chi trả bảo vệ phát triển rừng nhằm khuyến khích người dân ở các địa phương thượng nguồn tham gia bảo vệ rừng. Đồng thời, cần quy định khuyến khích các địa phương có cơ chế chuyển đổi quy hoạch rừng sản xuất sang quy hoạch rừng phòng hộ ở những khu vực có nguồn nước để bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước.
Bên cạnh việc duy trì tối đa hóa nguồn thu hiện có từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, tôi cũng đề xuất có chiến lược để đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy. Tôi cho rằng, thay vì chi trả dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng, có thể nghiên cứu sử dụng khoảng 15 – 20% từ quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng để điều phối lại việc phát triển, bảo vệ nguồn sinh thủy trên toàn quốc; đưa nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng thành nguồn tài chính ổn định cho việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, như vậy sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, tôi cũng đề nghị làm rõ khái niệm “phát triển tài nguyên nước” tại Điều 3 Dự thảo Luật, bởi để phát triển tài nguyên nước, ngoài việc bảo vệ phát triển rừng – nguồn sinh thủy, còn cần phải bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, quan trọng. Cần xây dựng các công trình chứa nước phục vụ đa mục tiêu, các công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất ngoài ra còn cần giải pháp bảo đảm gắn kết quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang:
Phân bổ nguồn thu từ khai thác, sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để bảo vệ, phát triển rừng và vùng sinh thủy.
Đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, báo cáo tổng hợp kết quả thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 của Chính phủ đã chỉ rõ, chính sách liên quan đến phân bổ tài nguyên nguồn thu từ khai thác, sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy còn chưa được chú trọng. Kinh phí hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng không được phân bổ, điều tiết lại từ các địa phương ở vùng hạ lưu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có quy định cụ thể về chi trả dịch vụ môi trường rừng liên quan đến bảo vệ, phát triển nguồn nước, bảo đảm cho tổ chức, cá nhân duy trì việc bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy thượng lưu được chi trả phù hợp từ tổ chức, cá nhân được hưởng lợi ở khu vực hạ lưu.
Đối với chính sách ưu tiên sử dụng tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại khoản 4 Điều 66 quy định đối tượng ưu tiên sử dụng tiền cấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước chỉ bao gồm ưu tiên sử dụng cho các hoạt động về bảo vệ, phát triển tích trữ nước, cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Đề nghị bổ sung đối tượng ưu tiên sử dụng tiền cấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước là công tác bảo vệ, phát triển rừng, tạo nguồn sinh thủy. Bởi theo quy định hiện nay, định mức chi trả cho người nông dân để bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng là rất thấp, cần tăng thêm nguồn lực và tăng định mức hỗ trợ cho người dân miền núi để bảo vệ, phát triển rừng, tạo nguồn sinh thủy.