Cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác cưỡng chế thi hành án dân sự.
Chương IV Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022) quy định cụ thể về cưỡng chế thi hành án dân sự. Người phải thi hành án có thời gian tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Hết thời gian tự nguyện mà không chấp hành thì cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên được áp dụng biện pháp cưỡng chế, tuỳ vào nghĩa vụ thi hành án cụ thể để lựa chọn biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự.
Theo đó, các biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm: khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; khai thác tài sản của người phải thi hành án; buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật liên quan, tuỳ thuộc vào biện pháp cưỡng chế được áp dụng.
Năm 2022, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã ra 252 quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, tương ứng 252 trường hợp. Trong đó, cưỡng chế có huy động lực lượng 76 trường hợp và cưỡng chế không có huy động lực lượng 176 trường hợp. Cụ thể, tự nguyện thi hành án 41 trường hợp; cưỡng chế thành công 176 trường hợp; cưỡng chế không thành công 1 trường hợp; chưa tổ chức cưỡng chế 43 trường hợp.
Các cơ quan Thi hành án dân sự tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan trong việc vận động đương sự tự nguyện thi hành án; chủ động xây dựng kế hoạch cưỡng chế trình Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp có ý kiến chỉ đạo; có trao đổi, làm việc với cơ quan Công an giúp cuộc cưỡng chế thành công. Tuy nhiên, một số vụ việc người phải thi hành án chống đối quyết liệt nên cấp uỷ, chính quyền địa phương không đồng thuận tiến hành cưỡng chế. Công tác phối hợp bảo vệ cuộc cưỡng chế đôi lúc chưa kịp thời…
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án nói chung và cưỡng chế thi hành án nói riêng, thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; thủ trưởng đơn vị sâu sát, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị cưỡng chế thi hành án, bảo đảm không phát sinh vi phạm, hạn chế phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành có liên quan trong lĩnh vực thi hành án dân sự; tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự hai cấp trong công tác phối hợp.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự trong nhân dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế số trường hợp phải cưỡng chế thi hành án.
An Đông – Thiên Di