Theo thống kê từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mỗi năm có hơn 2 triệu lao động trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi các vụ tai nạn và bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với hóa chất độc hại. Những vụ rò rỉ hoặc tràn đổ hóa chất không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đe dọa sự sống của hàng triệu loài sinh vật và làm suy giảm chất lượng không khí, nguồn nước.
Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp hỗ trợ như dệt may, da giầy, sản xuất ô tô..sử dụng một lượng lớn hoá chất nguy hiểm, vì thế có nhiều tiểm ẩn rủi ro về sự cố hoá chất. Các loại hóa chất được sử dụng phổ biến trong công nghiệp phụ trợ như:
- Xút (NaOH): Có tính ăn mòn cao, dễ gây bỏng nặng nếu tiếp xúc trực tiếp.
- Toluene: Gây hại cho hệ thần kinh, có thể gây ung thư nếu phơi nhiễm lâu dài.
- Axit sunfuaric (H2SO4): Sử dụng nhiều trong sản xuất pin, dễ gây tổn thương da và mắt.
Việc thiếu kiến thức về an toàn hoá chất dẫn đến nhiều hệ lụy:
- Rủi ro sức khỏe: Công nhân làm việc trong môi trường chứa hóa chất độc hại mà không có đồ bảo hộ, không được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn hoá chất thì thường xuyên đối mặt với các bệnh về hô hấp, da liễu…
- Mất mát kinh tế: Các vụ tai nạn lớn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
- Ô nhiễm môi trường: Nước thải chứa hóa chất chưa qua xử lý là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước tại nhiều khu công nghiệp. Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, 40% nguồn nước ngầm ở Việt Nam có nguy cơ bị ô nhiễm do các hoạt động công nghiệp.
Thực trạng tại Việt Nam
Với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng, Việt Nam không nằm ngoài tình trạng này. Nhiều vụ việc đáng chú ý đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đặc biệt, các ngành công nghiệp phụ trợ như dệt may, da giày, và sản xuất ô tô là những lĩnh vực có mức độ sử dụng hóa chất rất cao. Chính phủ xác định ba nhóm ngành này là trọng tâm phát triển đến năm 2025, với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 65-70%, thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều hóa chất nguy hiểm như xút, Javen, axít sunfuaric, axit clohydric, và toluen tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn nếu không có những kiến thức về cách sử dụng, bảo quản, vận chuyển, cách thức thu gom… thì các hóa chất này có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe con người và môi trường sống xung quanh
Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến an toàn hóa chất, bao gồm:
- Thiếu nhận thức: Một bộ phận lớn người lao động chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về tính chất nguy hiểm của hóa chất, cách sử dụng và bảo quản an toàn.
- Hạn chế về cơ sở vật chất: Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đầu tư đầy đủ vào hệ thống thông gió, hệ thống xử lý nước thải và các thiết bị bảo hộ cá nhân.
- Quy định pháp luật chưa được thực thi nghiêm túc: Mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật về an toàn hóa chất, nhưng việc kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm còn nhiều hạn chế.
- Áp lực cạnh tranh: Để giảm chi phí sản xuất, một số doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn lao động, dẫn đến việc không tuân thủ các quy định về an toàn hóa chất
Vai trò của đào tạo an toàn hóa chất
Đào tạo an toàn hóa chất không chỉ là một giải pháp ngắn hạn để giải quyết các rủi ro ttrong hoạt động hoá chất, mà còn là yếu tố cốt lõi đảm bảo sự phát triển bền vững cho các ngành công nghiệp. Qua đào tạo, người lao động sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để:
- Nhận biết và đánh giá rủi ro: Xác định các yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn trong quá trình làm việc với hóa chất và đánh giá mức độ rủi ro.
- Sử dụng hóa chất an toàn: Biết cách bảo quản, vận chuyển, pha chế hóa chất đúng cách, sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp và tuân thủ các quy trình an toàn.
- Ứng phó sự cố: Biết cách xử lý các tình huống khẩn cấp như rò rỉ hóa chất, cháy nổ, sơ cứu khi bị hóa chất tiếp xúc.
- Kỹ năng cần thiết: Trong các tình huống khẩn cấp như rò rỉ hóa chất hoặc cháy nổ, kỹ năng ứng phó nhanh chóng và chính xác là yếu tố quyết định để hạn chế thiệt hại.
- Kết quả thực tiễn: Một doanh nghiệp tại Hải Phòng đã báo cáo giảm được thiệt hại tài sản sau khi đội ngũ được đào tạo kỹ năng ứng phó sự cố hóa chất trong năm 2022.
- Tham gia vào việc xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa: Cùng doanh nghiệp xây dựng các quy trình an toàn và tham gia kiểm tra, giám sát thường xuyên.
- Tính bền vững: Điều này không chỉ đảm bảo môi trường làm việc an toàn mà còn tạo ra văn hóa tuân thủ quy định, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Chương trình Đào tạo an toàn hóa chất cho các tổ chức và doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ gồm công nghiệp dệt may, công nghiệp da giày, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô để hoạt động hóa chất hiệu quả: Giải pháp toàn diện
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, như dệt may, da giày, và sản xuất lắp ráp ô tô, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, việc sử dụng một lượng lớn hóa chất độc hại trong sản xuất lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, môi trường và tài sản doanh nghiệp. Để giải quyết các thách thức này, Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất (Cục Hóa chất) đã triển khai Đề án Đào tạo An toàn Hóa chất, cung cấp một lộ trình rõ ràng và hiệu quả để nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó của các tổ chức, doanh nghiệp với các nội dung chính:
- Đào tạo kiến thức cơ bản về hóa chất: Giúp người lao động hiểu rõ về tính chất, đặc điểm, tác hại của các loại hóa chất thường gặp trong sản xuất.
- Đào tạo về các quy định pháp luật: Giới thiệu các quy định của nhà nước về an toàn hóa chất, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật
- Đào tạo về các biện pháp phòng ngừa: Hướng dẫn người lao động cách sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân, cách xử lý chất thải hóa học, cách xây dựng các quy trình an toàn
- Đào tạo về ứng phó sự cố: Trang bị cho người lao động những kiến thức và kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống khẩn cấp như cháy nổ, rò rỉ hóa chất, sơ cứu khi bị hóa chất tiếp xúc
- Đào tạo về quản lý rủi ro: Giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý rủi ro hóa chất, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Hội thảo Đào tạo ATHC cho các doanh nghiệp tại TP HCM và thực hành ứng phó sự cố hoá chất tại Công ty TNHH Hoa Keo Kỹ Thuật (TECHCHEM RESIN)
Các buổi hội thảo, thực hành đã được tổ chức trên một số tỉnh thành cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tại hội thảo, các doanh nghiệp được cập nhật thông tin về các văn bản quy định pháp luật mới nhất, được hướng dẫn những kiến thức về hoá chất và biện pháp ứng phó phòng ngừa rủi ro.
Hội thảo Đào tạo tại TP Đà Nẵng và thực hành hành ứng phó sự cố hoá chấttại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng DRC
Nổi bật trong chuỗi hội thảo là hoạt động thực hành ứng phó sự cố hoá chất. Cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp tham dự hội thảo được những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hoá chất hướng dẫn trực tiếp cùng những giáo cụ trực quan và thiết bị ứng phó hiện đại.
Hướng dẫn thao tác, sử dụng trang thiết bị bảo hộ ứng phó sự cố hoá chất
Hội thảo Đào tạo ATHC tại TP Nam Định và Thực hành ứng phó sự cố hoá chất tại Công ty dệt Bảo Minh – Nam Định
Kết quả đạt được và triển vọng tương lai, chuỗi hội thảo về an toàn hóa chất đã khép lại với những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người lao động cũng như doanh nghiệp. Đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng môi trường sản xuất an toàn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Trong tương lai, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn hóa chất, xây dựng các chương trình đào tạo đa dạng và phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư vào trang thiết bị bảo hộ lao động, hệ thống xử lý nước thải và các biện pháp an toàn khác.
An toàn hóa chất là một vấn đề cấp bách cần được quan tâm nó không chỉ là trách nhiệm của cá nhân hay doanh nghiệp mà là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Việc nâng cao nhận thức và đào tạo an toàn hoá chất bài bản sẽ là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một nền công nghiệp an toàn, lành mạnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững nghành công nghiệp.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/nang-cao-cong-tac-an-toan-hoa-chat-nen-tang-cho-su-phat-trien-ben-vung-nganh-cong-nghiep-hien-dai.html