Sau nhiều năm triển khai, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã góp phần quan trọng trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp 18/11 hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – MTTQ Việt Nam, qua đó tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhận thức được ý nghĩa to lớn của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, nhiều năm qua, MTTQ tỉnh Bắc Giang đã quan tâm tham mưu và hướng dẫn, chỉ đạo để việc tổ chức Ngày hội ngày càng chất lượng, hiệu quả thiết thực. Các phong trào, cuộc vận động mà trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… được triển khai thực hiện hiệu quả hơn. Chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” ngày càng được nâng lên, kết quả năm sau cao hơn năm trước; số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa đều đạt 100%.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 154/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,6%), trong đó 58 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 359 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7 huyện, thành phố về đích và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng thông qua 6.968 mô hình tự quản được nâng lên…
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang, năm 2024, Bắc Giang đã cơ bản thực hiện xong việc xóa nhà tạm nhà dột nát cho hộ nghèo và gia đình người có công trên địa bàn toàn tỉnh góp phần thiết thực giúp cho hộ nghèo, hộ khó khăn sớm ổn định cuộc sống và nhanh chóng vươn lên thoát nghèo bền vững. Bộ mặt nông thôn và đô thị có nhiều đổi mới, văn minh hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Những năm qua, việc tổ chức Ngày hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có sự chuyển biến về chất và đạt được chất lượng, hiệu quả rõ rệt. Kết quả đó chính là sự cố gắng nỗ lực trong chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới về nội dung, hình thức và cách thức tổ chức thực hiện. Một trong những nội dung quan trọng để Ngày hội thành công, đó là Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư phải chủ động chuẩn bị kỹ các điều kiện, cơ sở vật chất. Ngay từ sớm các khu dân cư đều đã quan tâm đề xuất kinh phí, huy động nguồn lực, đồng thời rà soát điều kiện cơ sở vật chất, nhất là địa điểm tổ chức Ngày hội, tham mưu sửa chữa, nâng cấp, làm mới đảm bảo địa điểm sinh hoạt cộng đồng – nơi tổ chức Ngày hội luôn được khang trang, sạch đẹp tạo sự cuốn hút…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới, theo thông tin từ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Bắc Giang, xuất phát từ kinh nghiệm triển khai trong những năm qua, hàng năm, MTTQ các cấp, nhất là cấp xã cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Ngày hội; phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thống nhất về nội dung, hình thức, kinh phí và thời gian tiến hành cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, từ đó kịp thời hướng dẫn cho các Ban Công tác Mặt trận tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tại khu dân cư.
Cùng với đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, qua đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Một trong những cách làm hay của MTTQ tỉnh Bắc Giang trong việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là xây dựng chương trình các bước thực hiện khéo léo, linh hoạt nhằm tránh sự khô khan, theo lối mòn hoặc không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong phần Lễ đan xen một số nội dung thuộc về phần Hội để tạo không khí. Phần Hội quan tâm lựa chọn những hoạt động, tiết mục văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian mang tính truyền thống văn hóa được ưa thích và nhiều cá nhân có thể tham gia như: ném còn, kéo co, dân vũ, hát dân ca, thi chế biến ẩm thực gắn với tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” trong cộng đồng dân cư tạo không khí vui tươi, hòa hợp. Ở nhiều địa phương, trong dịp tổ chức Ngày hội đã quan tâm gắn với hoạt động thăm và tặng quà hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trao tặng nhà Đại đoàn kết, làm cho Ngày hội càng sinh động, ý nghĩa hơn.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nang-cao-chat-luong-to-chuc-ngay-hoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-10293888.html