Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế – xã hội, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ.
Tiếp nối những thành công từ thời gian trước, ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 – 2025”.
Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, mặc dù kinh phí được cấp hàng năm đã được tăng thêm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm, nhưng từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác.
“Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội”, đồng chí Lê Quốc Minh nhận định.
Về Giải Báo chí Quốc gia, đồng chí Lê Quốc Minh thông tin, trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng.
Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.
Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia, kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ chuyển đổi số, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đến nay trung bình mỗi năm Giải Báo chí Quốc gia thu hút được sự tham dự của gần 2.000 tác phẩm báo chí, được sàng lọc, tuyển chọn trong số hàng vạn tác phẩm báo chí đã phát hành, phát sóng gửi về dự thi, dù biết rằng số lượng Giải thưởng chỉ có hạn.
Các cấp hội cơ sở của Hội Nhà báo Việt Nam là cấp sơ tuyển, Cơ quan Trung ương Hội được giao làm nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp, và phối hợp tổ chức trình chấm và trao giải. Quy trình thẩm định và chấm Giải luôn được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, minh bạch, đúng Quy chế, Điều lệ Giải từ vòng sơ khảo đến chung khảo.
“Quyết định trao giải, nhất là những loại giải cao, được thực hiện rất chặt chẽ, cân nhắc kỹ lưỡng, được thẩm định kỹ càng, theo tiêu chuẩn chất lượng là chính, không tràn lan. Bằng chứng là không năm nào Hội đồng Giải tuyển chọn đủ tác phẩm, cụm tác phẩm thuộc các loại giải để trao giải A. Và nhờ sự chặt chẽ, minh bạch đó, uy tín của Giải báo chí Quốc gia không ngừng được nâng cao”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhìn nhận, thành công là cơ bản, nhưng so với thực tế, Giải báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Cơ cấu giải, do đó cần hướng đến dung nạp thêm nhiều sản phẩm báo chí với phương thức thể hiện mới, đang được công chúng đón nhận rộng rãi, như sản phẩm báo chí chuyên đề, đa phương tiện, đa loại hình, đa nền tảng.
Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao triển khai trong nhiều năm qua, đã trở thành động lực khuyến khích sự lao động sáng tạo của hội viên, nhà báo cả nước, về việc thực hiện công tác này trong năm 2022, ông Phan Toàn Thắng – Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022 thu được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí thông qua thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục.
“Nguồn hỗ trợ tuy đã được điều chỉnh tăng khoảng 1,5-1,6 lần so với giai đoạn trước, tùy từng đơn vị nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị. Công tác hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự thống nhất trong cả nước”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Phan Toàn Thắng, mạng xã hội hiện nay đã trở thành một “thế lực” cạnh tranh với các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp trên mặt trận thông tin – việc đào tạo nguồn nhân lực làm báo chuyên nghiệp về kiến thức, bản lĩnh, phương tiện, thiết bị hành nghề, kĩ năng nghiệp vụ, ý thức và đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu quan trọng hàng đầu hiện nay.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Hội Nhà báo địa phương đã có nhiều ý kiến chia sẻ xung quanh Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao, trong đó hầu hết các ý kiến cho rằng, nguồn hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao từ Hội Nhà báo Việt Nam thực sự đã có tác dụng rất lớn đối với việc thúc đẩy nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí và đẩy mạnh phong trào hoạt động Hội. Vai trò, vị trí của Hội Nhà báo được nâng lên; các hội viên gắn bó hơn với tổ chức Hội.
Song, một số ý kiến cũng cho biết, việc triển khai nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao nảy sinh nhiều bất cập. Theo, ông Đinh Anh Đức – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La, kinh phí chi hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí không có hướng dẫn thống nhất từ Trung ương đến địa phương, phải qua nhiều khâu thẩm định trung gian giữa các bộ, sở, ngành liên quan. “Dẫn đến không kịp thời, không đủ điều kiện chi theo nguyên tắc tài chính, 2 năm nay Hội Nhà báo Sơn La chúng tôi chưa triển khai được, phải thu hồi kinh phí hỗ trợ”, ông Đinh Anh Đức chia sẻ.
Bên cạnh đó, để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng tham dự Giải báo chí Quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều Hội Nhà báo địa phương đề nghị Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục mở nhiều lớp tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về các thể loại, nhất là loại hình báo chí đa phương tiện.
“Có thể tổ chức tập huấn nghiệp vụ theo cụm để nhiều hội viên tham dự, như vậy cũng tiết kiệm kinh phí tổ chức và quan trọng nhất là động viên, khích lệ các tác giả, nhóm tác giả hăng hái tham dự Giải báo chí Quốc gia, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo ở các địa phương”, đồng chí Vũ Xuân Chường – Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh kiến nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra Tọa đàm “Đổi mới chất lượng Giải Báo chí Quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, sự tham gia của báo chí Trung ương và khu vực phía Bắc đối với Giải Báo chí Quốc gia”.
Nhà báo Nguyễn Văn Hải – Phó Chủ tịch Chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân (QĐND) – nhà báo đã đạt được nhiều giải Báo chí Quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, muốn có một tác phẩm báo chí hay luôn cần ở nhà báo chữ “tâm”. Bởi nếu không tâm huyết với nghề, với con đẻ của mình, với sản phẩm của mình thì không thể có một tác phẩm hay, tác động sâu sắc đến cảm xúc, nhận thức của người xem, chưa kể đến việc định hướng cho dư luận, định hướng cho xã hội, hoặc làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.
Đối với báo chí địa phương, ông Mai Vũ Tuấn – Giám đốc Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ninh, thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia cho rằng, thế mạnh của báo địa phương là bám sát địa bàn. Họ luôn là những người có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn tin từ đầu; có nhiều thuận lợi khi muốn theo dõi vấn đề một cách trực tiếp và có hệ thống trong suốt quá trình; có điều kiện tìm hiểu cặn cẽ vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt là với loại hình ảnh báo chí thì phóng viên báo chí địa phương rất có lợi thế để tiếp cận, sáng tạo tác phẩm.
Là thành viên của Hội đồng Chung khảo Giải báo chí Quốc gia, ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhìn nhận, công tác chấm Giải Báo chí Quốc gia đã có nhiều đổi mới. Đổi mới trong việc lựa chọn giám khảo, đổi mới cách thức chấm giải ngày càng chuyên nghiệp, công tâm và có trách nhiệm. Ông Phạm Mạnh Hùng kiến nghị cần đổi mới liên tục, đổi mới hơn nữa, đặc biệt là cơ cấu giám khảo ở vòng Sơ khảo để có những tác phẩm chất lượng, phù hợp với xu thế mới.
Kế luận Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị bổ ích. Đây là những ý kiến giúp nâng cao chất lượng của Giải báo chí Quốc gia cũng như việc thực hiện Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao trong thời gian tới đây.
“Qua hội nghị này, chúng ta tiếp tục khẳng định, Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã được các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam triển khai rất thành công. Trước mắt, Hội Nhà báo Việt Nam rất ghi nhận các ý kiến và sẽ ban hành các quy định một cách khoa học hiệu quả đến các cấp Hội, đồng thời kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao trong giai đoạn tiếp theo”, đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu.
Hoà Giang – Sơn Hải