Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao chất lượng sầu riêng đạt chuẩn VietGAP

Cùng với nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của thị trường, diện tích trồng sầu riêng tại Tây Ninh những năm gần đây đang được mở rộng.

Báo Tây NinhBáo Tây Ninh13/04/2025

Tại Tây Ninh, xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) được xem là vùng “thủ phủ” trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh với chất lượng và sản lượng sầu riêng đạt chuẩn VietGAP. Hiện nay, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu chuyển sang trồng sầu riêng, đặc biệt là giống sầu riêng Ri6 và Monthong.

Mở rộng diện tích trồng sầu riêng

Việc chuyển đổi các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng sầu riêng cho thu nhập cao hơn đang được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình cây trồng này phải đúng theo định hướng, phù hợp với thổ nhưỡng và liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng của thị trường.

Xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu) có tổng diện tích gieo trồng hằng năm 3.892 ha. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả để phát triển cây sầu riêng, bước đầu mang lại lợi nhuận khả quan.

Vườn sầu riêng của ông Ngô Văn Miên được trồng từ năm 2018 đến nay.

Ông Ngô Văn Miên, nông dân ấp Xóm Đồng, xã Thanh Phước có 1,3 ha trồng sầu riêng. “Trước đây, vùng đất này chuyên trồng lúa nước nhưng năng suất và hiệu quả mang lại không cao, tôi tham khảo một số hộ nông dân ở xã Bàu Đồn và các nơi khác, thấy người dân trồng cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi vận động một số hộ gia đình ở khu vực này cùng nhau chuyển sang trồng sầu riêng từ năm 2018 đến nay”- ông Miên cho biết.

Theo ông Mai Văn Minh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Phước, những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi từ trồng lúa nước sang cây trồng sầu riêng, mang lại thu nhập ổn định.

Để cây sầu riêng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa thương hiệu sầu riêng Tây Ninh vươn xa, người dân cần kiểm soát chặt chẽ vùng trồng hiện có, đưa ra định hướng cụ thể về vùng sản xuất, không nên trồng theo “phong trào”, vùng thổ nhưỡng không phù hợp.

Ông Mai Văn Minh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Phước (áo trắng) tham quan vườn sầu riêng của nông dân.

“Ngày nay, người tiêu dùng đòi hỏi cao về chất lượng, nguồn gốc nông sản, đặc biệt là các quốc gia đang nhập khẩu nông phẩm từ Việt Nam, yêu cầu người canh tác phải thực hành nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, hoặc canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP đối với cây sầu riêng, diện tích 15 ha. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 125 triệu đồng”- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Phước cho biết.

Tuân thủ quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm

Dự kiến diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 5.000 ha, sản lượng khoảng 36.750 tấn. Với nhịp độ tăng trưởng nóng về diện tích và sản lượng sầu riêng hiện nay cho thấy, bên cạnh việc cây sầu riêng mang về thu nhập cao cho nông dân cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp thị trường tiêu thụ, xuất khẩu phát sinh biến động.

Mùa vụ năm nay, với việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác, ghi chép cẩn thận từ khi cây ra hoa, xả nhụy, buộc dây đánh dấu… nông dân hi vọng vụ sầu riêng sẽ bán được với mức giá cao, đầu ra ổn định.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu là Trung Quốc, chiếm đến 95% sản lượng. Trái sầu riêng được nhập khẩu chính thức vào thị trường này từ ngày 11.7.2022 với nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói. Điều này đòi hỏi nhà vườn phải thay đổi tập quán sản xuất từ việc chỉ quan tâm đến năng suất sang tập trung vào chất lượng của sản phẩm thu hoạch.

Ông Ngô Văn Miên và vợ chăm sóc vườn sầu riêng.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, đối với thị trường xuất khẩu nông sản hiện nay, sầu riêng là trái cây hàng đầu mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân tại Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, ngoài những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Do đó, yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã sầu riêng xuất khẩu rất nghiêm ngặt, trong khi quy mô sản xuất nhỏ lẻ của nông dân là chủ yếu, khó khăn trong kiểm soát, nhất là tại các vùng trồng tự phát, không bảo đảm điều kiện đất đai, tưới tiêu nước và thâm canh sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và uy tín.

Cây sầu riêng phát triển tốt trên đất Thanh Phước, huyện Gò Dầu.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các khâu an toàn trong sản xuất, đóng gói sầu riêng. Đồng thời, tăng cường tập huấn, truyền thông các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó, chú trọng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng đúng quy trình canh tác, ghi chép hồ sơ, nhật ký trong quá trình sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục vận động người dân hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, hình thành các vùng trồng sầu riêng tập trung, quy mô lớn, bảo đảm tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Hoàng Yến

Nguồn: https://baotayninh.vn/nang-cao-chat-luong-sau-rieng-dat-chuan-vietgap-a188765.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm