Thời gian qua hoạt động nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) được các tổ chức, doanh nghiệp, HTX các ban, sở, ngành và các địa phương chú trọng đến tính thực tiễn, khả năng ứng dụng và kết quả sau nghiệm thu, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.
Phòng xét nghiệm thông minh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Theo số liệu của Sở KH&CN, từ năm 2020 đến nay Thanh Hóa đã triển khai 24 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 221 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; đánh giá nghiệm thu 110 nhiệm vụ KH&CN. Để chất lượng các nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở đạt hiệu quả, hàng năm Sở KH&CN thông báo đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh mời gọi đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện cho năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, y tế, quốc phòng – an ninh… Các ý tưởng đề xuất này được tổng hợp theo các lĩnh vực và thông qua Hội đồng KH&CN tỉnh để tư vấn, xác định nhiệm vụ chuyên ngành (do UBND tỉnh quyết định) sẽ hình thành các nhiệm vụ KH&CN trình UBND tỉnh quyết định đặt hàng thực hiện…
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Sở KH&CN tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị chủ trì để triển khai thực hiện. Các bước cuối cùng là đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN đã thực hiện và tổ chức bàn giao cho các đơn vị sử dụng kết quả (đã được UBND tỉnh phê duyệt) triển khai ứng dụng.
Song song với các hoạt động trên, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN đã được triển khai đồng bộ ở hầu hết các lĩnh vực. Việc đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN ở các lĩnh vực theo đúng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của ngành KH&CN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Công tác quản lý, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ và hiệu quả; trong đó, ưu tiên chọn lựa, tham mưu đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sự tham gia, đối ứng kinh phí của các doanh nghiệp và có địa chỉ ứng dụng ngay từ đầu.
Các doanh nghiệp đã tích cực huy động nguồn vốn tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Hợp đồng giữa Sở KH&CN – đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN luôn được rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên. Các chương trình, đề tài khoa học, đặc biệt là các nhiệm KH&CN cấp cơ sở đã bám sát và phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu, thực nghiệm được nhân rộng và phát huy trong thực tiễn. Một số địa phương, sở, ngành đã lựa chọn và cấp kinh phí thực hiện những đề tài, dự án và xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Tiêu biểu trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở là ngành y tế, với việc chủ động đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho công tác nghiên cứu KH&CN, nhiều tiến bộ khoa học mới được nghiên cứu, ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh, hàng loạt các kỹ thuật cao đã được triển khai thành công tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, như: Kỹ thuật phẫu thuật cắt ung thư dạ dày nội soi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; xét nghiệm định lượng kháng thể kháng CARDIOLIPIN IgM và CARDIOLIPIN IgG trên máy LIAISON tại Bệnh viện nhi; chụp và nút mạch điều trị u gan số hóa xóa nền tại Bệnh viện Ung bướu; bơm huyết tương giàu tiểu cầu điều trị mỏng nội mạc tử cung trong thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện Phụ sản; ứng dụng công nghệ ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu, ung thư vú và triển vọng đối với nhiều ung thư khác; ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai, bệnh di truyền, bệnh ung thư; ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ cho công tác ghép tạng như ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ghép giác mạc tại Bệnh viện mắt…
Cùng với đó là xây dựng mô hình y tế thông minh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thông qua việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các cơ sở y tế, cụ thể là việc quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, ứng dụng hóa đơn điện tử, thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; trong việc tiếp đón, hướng dẫn, chăm sóc khách hàng; nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện, liên thông dữ liệu xét nghiệm (LIS); ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS), triển khai ứng dụng chữ ký số và bệnh án điện tử…
Bên cạnh ngành y tế, ngành nông nghiệp cũng đã quan tâm đẩy mạnh hoạt động KH&CN gắn với quá trình triển khai chương trình, kế hoạch của ngành. Trong lĩnh vực trồng trọt, thông qua triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN, các viện, trường đại học và doanh nghiệp đã nghiên cứu, khảo nghiệm và lai tạo các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng thích ứng rộng trong điều kiện biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển và xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng sản xuất rau an toàn. Cụ thể, đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 12 giống lúa, 1 giống ngô, 2 giống keo lai, 1 giống cà chua; du nhập khảo nghiệm 6 giống mía mới; phục tráng 5 loại cây trồng… 2 đơn vị ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô để nhân giống sạch bệnh là Viện Nông nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao Lam Sơn. Xây dựng, thiết lập và duy trì 59 mã số vùng trồng tại các huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị với nhiều mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Khuyến khích nhân rộng việc ứng dụng kỹ thuật canh tác thủy canh, canh tác trong hệ thống nhà kính, nhà lưới gắn với công nghệ thâm canh cao, canh tác lúa tự nhiên, hữu cơ với công nghệ phù hợp, thân thiện môi trường… Bước đầu đã có mô hình ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các khâu của sản xuất như: Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS (hệ thống thông tin địa lý) vào việc quản lý vùng trồng mía nguyên liệu tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và quản lý vùng trồng một cách chính xác; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng (mía, lúa) nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm công lao động, bảo vệ sức khỏe con người…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng các nhiệm vụ KH&CN được các sở, ngành, địa phương đặt hàng còn hạn chế. Thực tiễn cuộc sống đặt ra nhiều yêu cầu cần sự hỗ trợ của KH&CN song chưa được đáp ứng; chưa lựa chọn được nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa thiết thực, bức thiết, xuất phát từ thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chưa đều khắp trên các lĩnh vực, còn thiếu những định hướng lớn, mang tính liên ngành, liên vùng.
Để khắc phục những hạn chế trên góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn, thời gian tới Sở KH&CN căn cứ đề xuất, đặt hàng của các cơ quan, đơn vị, địa phương và văn bản chỉ đạo của Bộ KH&CN, của tỉnh để xây dựng định hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Tiếp tục tham mưu nâng cao chất lượng tư vấn của Hội đồng KH&CN tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, lựa chọn được những nhiệm vụ thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra nhiệm vụ KH&CN. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giới thiệu các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; tuyên truyền, phổ biến thành tựu, tri thức KH&CN.
Bài và ảnh: Trần Hằng