YênBái – Việc giảng dạy, học tập theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã ổn định và đi vào nền nếp; học sinh được phát huy năng lực, nguyện vọng, sở thích; giáo viên dần thích ứng với sự đổi mới, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá.
Trường TH&THCS Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ có trên 85% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế – xã hội của địa phương còn khó khăn nhưng công tác dạy học ở trường theo Chương trình GDPT 2018 được thực hiện nghiêm túc.
Thầy giáo Nguyễn Văn Chấn – Hiệu trưởng Trường TH&THCS Sơn A cho biết: “Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của Sở Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT), Phòng GD&ĐT, tập huấn cho đội ngũ giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới; nghiên cứu các văn bản về thay đổi nội dung nhằm giúp giáo viên cập nhật nội dung, phương pháp dạy học mới. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, tích cực thực hiện hoạt động giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu chương trình. Công tác quản lý giáo dục được tăng cường, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, được tăng cường phân cấp, phân quyền cho nhà trường, giáo viên. Kinh phí giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư.
Từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, chất lượng giáo dục ở cả 2 bậc học có sự tiến bộ rõ rệt: số học sinh có hạnh kiểm khá, tốt đạt 97% trở lên và học lực khá, giỏi đạt 35%, nhà trường có học sinh giỏi cấp thị xã. Cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá, hoạt động chung của toàn ngành”.
Tại Trường THCS Tú Lệ, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, thầy giáo Đinh Văn Lập – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Triển khai Chương trình GDPT 2018, đội ngũ giáo viên của trường có chuyển biến rõ nét trong nhận thức về chương trình mới, học sinh có chuyển biến rõ rệt về kiến thức và kỹ năng. Đối với các môn học mới như giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, nhà trường định hướng cho học sinh theo đúng chương trình, tổ chức các hoạt động giúp học sinh tìm hiểu, phát triển văn hóa tại địa phương”.
Trên địa bàn toàn tỉnh, quy mô, mạng lưới trường, lớp được sắp xếp phù hợp. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn. Công tác xóa mù chữ – phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao chất lượng.
Một giờ học Tiếng Anh của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.
Năm 2021, Yên Bái là tỉnh thứ 24/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Năm 2023, UBND tỉnh đã có Tờ trình đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Hiện nay, Yên Bái có 321/442 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,6%.
Công tác giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tăng từ 22% năm 2020 lên 27,1% năm 2022; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp không tiếp tục đi học, ở nhà, tham gia lao động đã giảm dần theo từng năm, đến năm 2022 còn 17,9%.
Làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, chất lượng giáo dục cấp THPT có nhiều chuyển biến. Năm 2022, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,85%; điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp của học sinh Yên Bái năm 2022 tăng 11 bậc so với năm học trước, đứng thứ 30/63 tỉnh trên toàn quốc.
Đồng chí Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Yên Bái là một trong những tỉnh được Bộ GD&ĐT đánh giá cao trong triển khai Chương trình GDPT 2018, đồng thời là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Ngành đã đảm bảo các điều kiện căn bản về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị, sách giáo khoa cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; đảm bảo phòng học cho 100% học sinh lớp 1, 2, 3 được học 2 buổi/ngày; lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đúng quy định, đảm bảo tiến độ”.
Đặc biệt, Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên trong toàn quốc triển khai xây dựng “Trường học hạnh phúc” đồng bộ, bài bản. Đến nay, tỉnh đã nhân rộng mô hình, hết năm 2022 có 165 trường học hạnh phúc, đạt 37,3%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh còn có một số hạn chế, khó khăn. Tỷ lệ học sinh lớp 4, 5 được học Tin học, Ngoại ngữ còn thấp: đạt 32,9% số học sinh được học Tin học và 64,8% số học sinh được học tiếng Anh trong khi đây là hai môn học bắt buộc của Chương trình GDPT 2018. Môn tiếng Anh, Tin học lớp 6 do nhiều học sinh chưa được học ở bậc tiểu học nên phải thực hiện chương trình bổ trợ, thời gian ngắn, số lượng kiến thức bổ trợ chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến kết quả học tập thấp.
Số lượng giáo viên còn thiếu, tỷ lệ giáo viên phổ thông hiện mới đạt 85% định mức. Giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) thiếu nhiều trong khi nguồn tuyển chưa đảm bảo.
Đối với các môn học tích hợp cấp THCS chưa có giáo viên đáp ứng yêu cầu, vẫn phải bố trí giáo viên các môn hiện tại để giảng dạy theo phân môn. Nguồn kinh phí để chi lương dạy thêm giờ cho giáo viên còn thấp so với quy định. Cơ sở vật chất trường lớp học còn khó khăn: thiếu phòng học, một số nơi còn phòng học tạm, một số phòng học có diện tích nhỏ, không đảm bảo so với tiêu chuẩn tối thiểu quy định.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số ở những lớp đầu cấp tiểu học và khó khăn khi thực hiện các hình thức học tập mới; thiết bị dạy học tối thiểu, một số thiết bị khác chưa đáp ứng được công tác dạy và học.
Đồng chí Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Hiện nay, huyện còn thiếu 73 giáo viên tiểu học, 93 giáo viên THCS, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học. Phòng học, trang thiết bị đã được quan tâm đầu tư, song chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, trước mắt, tỉnh Yên Bái chỉ đạo sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có; thực hiện biệt phái 15 giáo viên tiếng Anh từ các cơ sở giáo dục vùng thấp tăng cường dạy tại các địa bàn vùng cao, vùng khó khăn; phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định dạy tiếng Anh lớp 4 trực tuyến cho 6 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên; phối hợp với Công ty Ismart dạy tiếng Anh trực tuyến cho huyện Mù Cang Chải; bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên trường tại các trường thiếu giáo viên bộ môn; ban hành chính sách thu hút giáo viên làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Về lâu dài, tỉnh đang mở lớp liên kết đào tạo đại học ngành sư phạm tiếng Anh theo địa chỉ; phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên mở 1 lớp/34 sinh viên, tỉnh hỗ trợ 100% học phí và chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên; thực hiện chính sách thu hút giáo viên tiếng Anh và Tin học, người có trình độ đại học sư phạm tiếng Anh, Tin học khi được tuyển dụng vào làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 100 triệu đồng/người.
Năm 2022, Yên Bái đã tuyển dụng được 634 giáo viên và đang tổ chức tuyển dụng 1.070 chỉ tiêu năm 2023. Hiện nay, tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất trường học, phấn đấu hoàn thành xóa phòng học tạm, phòng học nhờ trong năm học 2024 – 2025.
Cùng với giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tỉnh chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên. Giám đốc Sở GD&ĐT Vương Văn Bằng nhấn mạnh: “Giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công hoặc thất bại trong thực hiện Chương trình GDPT mới. Vì thế, cùng với tăng cường hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, mỗi giáo viên phải có sự thay đổi trong quan điểm dạy học. Có như vậy, chương trình mới đạt được mục tiêu đề ra.
Chương trình mới là cơ hội để thầy cô thay đổi toàn diện, từ cách dạy học đến kiểm tra đánh giá, hướng đến phát triển năng lực và lợi ích của người học. Với những giải pháp đồng bộ được triển khai, hy vọng rằng Chương trình GDPT 2018 sẽ tiếp tục được triển khai có hiệu quả trong thời gian tới”.
Hồng Duyên