(BLC) – Những năm qua, ngành Tuyên giáo huyện Than Uyên nỗ lực không ngừng, cùng đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ. Trong đó, công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được quan tâm, chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng. Nhờ đó, đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong huyện chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực xây dựng quê hương Than Uyên phát triển giàu đẹp.
Huyện Than Uyên có 12 xã, thị trấn với 131 bản, khu dân cư, trên 14.700 hộ dân của 10 dân tộc cùng sinh sống; trong đó có trên 85% dân số là người DTTS, chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Dao… Xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Than Uyên tích cực tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền từ huyện đến cơ sở. Hàng năm, Ban chủ động ban hành nhiều văn bản, xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo tháng; hướng dẫn các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện nhiệm vụ. Huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của đội ngũ làm công tác tuyên truyền.
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Than Uyên họp bàn xây dựng kế hoạch định hướng tuyên truyền hàng tháng.
Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, huyện về công tác khoa giáo, lồng ghép với các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các xã tổ chức các Hội nghị thông tin thời sự. Qua đó, cung cấp những thông tin mới nhất về những sự kiện diễn ra trong tỉnh, trong nước và trên thế giới. Đồng thời, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên ở vùng đồng bào DTTS. Để từ đó, kịp thời định hướng dư luận xã hội; chủ động dự báo tình hình, đề ra các phương án kế hoạch công tác tư tưởng, không để nảy sinh vấn đề phức tạp.
Để các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả cao, huyện Than Uyên chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội. Bởi lẽ, đây là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, khả năng thuyết trình, có phương pháp truyền đạt và sức ảnh hưởng tới người dân.
Hiện nay, huyện Than Uyên có 30 báo cáo viên cấp huyện, 316 báo cáo viên cơ sở, 15 cộng tác viên dư luận xã hội. Trong những năm qua, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên đã cụ thể hoá việc tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã bằng cách tiên phong tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến từng hộ gia đình hướng dẫn cách làm giàu, thoát nghèo bền vững; động viên, huy động người dân tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới, nếp sống mới ở khu dân cư.
Cùng với đó là quyết liệt đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin sai sự thật; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước thông qua việc xây dựng những mô hình “Dân vận khéo”; lan toả những tấm gương “người tốt – việc tốt”; duy trì các fanpage, đăng tải hình ảnh đẹp về con người, văn hoá Than Uyên…
Các địa phương trong huyện tham gia học tập trực tuyến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Với nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, nhất là trong vùng đồng bào DTTS của ngành Tuyên giáo, đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của Nhân dân. Từ đó, Nhân dân các dân tộc huyện Than Uyên đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hoá, bản làng văn hoá; cùng chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực: góp công, góp của, hiến đất, làm đường giao thông nông thôn; chung tay xoá nhà tạm; trồng cây xanh, thu gom rác thải để bảo vệ môi trường sống; bảo vệ rừng…
Cho đến nay, huyện Than Uyên đã có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 43 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 14%. Toàn huyện duy trì và nhân rộng được hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực: phát triển kinh tế, an ninh trật tự, văn hoá-xã hội. Chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày càng được nâng lên với 35/39 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. 100% bản, khu dân cư xây dựng quy ước, hương ước; toàn huyện có 94,8% hộ gia đình, 90,1% thôn bản, khu phố, 96,4% cơ quan, đơn vị trường học đạt danh hiệu văn hóa…
Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được đội ngũ báo cáo viên huyện Than Uyên tích cực triển khai đến người dân.
Những kết quả trên là tiền đề, động lực để ngành Tuyên giáo của huyện Than Uyên tiếp tục thực hiện sứ mệnh “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”. Gắn kết chặt chẽ giữa công tác tuyên giáo với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.
Tin rằng, với nhiều giải pháp của ngành Tuyên giáo sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Than Uyên ngày càng khởi sắc, phát triển toàn diện. Xứng đáng là huyện tiêu biểu của tỉnh Lai Châu trên các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.