Nhạc sĩ Hồng Kiên từng nói trong một bài phỏng vấn rằng, mình không có số để trở thành người nổi tiếng.
Anh hỗ trợ rất nhiều nghệ sĩ, rất nhiều chương trình, nhưng người được khán giả nhớ tới nhất lại không phải là anh – người đứng ở phía sau.
Sự né tránh danh tiếng ấy dường như cũng được truyền cho con gái anh.
Nân không theo đuổi cái dễ dàng
Nân (nghệ danh của Nguyễn Hồng Trang), 23 tuổi, một nghệ sĩ độc lập, vừa có album solo đầu tay vào năm ngoái sau một thời gian làm giọng ca chính của ban nhạc Windrunner ở Hà Nội.
XT-TX, tên album này, là một album không viết ra để nhiều người nghe được, với thứ cá tính không chấp nhận bị thuần phục hay ghìm cương trong bất cứ một ranh giới thể loại nào.
Đôi khi âm nhạc ở đây như đến từ một vở nhạc kịch tình yêu đầy cao trào, được lồng ghép với vô số những đoạn chuyện trò hay tự thoại có phần ngẫu hứng và bột phát, cả những cách dùng từ mà đôi khi, nằm ngoài từ điển của những người không thuộc về thế hệ Z.
Ngay cả khi hoạt động trong nhóm Windrunner, Nân cũng cho thấy mình là một người không theo đuổi cái dễ dàng.
Trong một thế giới mà người ta vẫn thường ai điếu cho sự suy yếu của cây đàn guitar điện và nhạc rock, thì cô cùng những người bạn theo đuổi thể loại rock khó nhằn nhất, metal và hardcore rock.
Giọng hát thanh thoát của Nân như một chiếc lá nổi trên nền nhạc guitar dữ dằn, và những đoạn nhạc gằn bùng nổ trong album TAN ra mắt năm 2022.
Hai cha con rõ ràng theo đuổi thứ âm nhạc khác như trăng với sao – nếu như nhạc sĩ Hồng Kiên theo đuổi thứ âm nhạc chính thống với gu thưởng thức của bậc trung niên, thì Nân lại lách vào những ngõ hẹp của âm nhạc để tung hứng các thể nghiệm.
Ở đây, sợi dây kết nối âm nhạc của hai thế hệ trong gia đình không phải là một sợi dây hữu hình trong chính thanh âm: nghe nhạc của Nân không giống như nghe nhạc của một “con nhà nòi”, mà có sự nghịch ngợm, mày mò của một người tay ngang, sẵn sàng xô đổ những phép tắc và lề lối.
Tuy nhiên, khi nghĩ lại về bối cảnh của nhạc sĩ Hồng Kiên những năm 90, khi thời kỳ Đổi Mới làm thay da đổi thịt âm nhạc đại chúng, thì những thành quả của Hồng Kiên cùng ban nhạc Anh Em xét cho cùng cũng đến từ sự mày mò chứ không hẳn đến từ học tập trường lớp.
Những gì họ làm thời điểm đó như album Tóc Ngắn 2 hay Made in Vietnam cũng là thứ âm nhạc không hề quen thuộc với đa số khán giả Việt bấy giờ.
Không có phiên bản nào tuyệt đối hơn phiên bản nào cả, chỉ là thời đại đã đổi thay. Những mùa thu đi nhưng vẫn còn những mùa thu khác sẽ tới.
Nhìn những mùa thu đi
Thế hệ F2 của ban nhạc Anh Em không chỉ có Nân đang kế thừa truyền thống âm nhạc gia đình, mà còn có Mỹ Anh, sinh năm 2022 – con gái của nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh – người hướng đến sự cân bằng hơn trong việc tiếp cận khán giả đại chúng và mài giũa một cá tính âm nhạc riêng biệt.
Hai năm trước, Mỹ Anh phát hành một MV, trong đó cô ngồi tại LP Club, chốn quen thuộc của những tín đồ đĩa than ở Hà Nội, hát Nhìn những mùa thu đi, một bản tình ca kinh điển của Trịnh Công Sơn.
Mỹ Anh ăn mặc thoải mái nhưng cũng rất thời trang, đi một đôi giày thể thao trắng, cô hát nhạc Trịnh với tất cả tâm tình nhẹ nhõm của một người hai mươi tuổi mới bước vào cuộc sống.
Khoảng cách thế hệ khiến cho những vần thơ trĩu nặng hồi ức, trĩu nặng nỗi buồn về sự chóng qua của thời gian, những “buồn ôm nuối tiếc” hay “sầu dâng mắt biếc” của người nhạc sĩ cũng vơi đi. Cách xử lý hiện đại mang hơi hướm R’n’B khiến cho ca khúc chill hơn, dù bớt phần trữ tình.
Điều đó trái ngược hoàn toàn với Mỹ Linh khi hát Nhìn những mùa thu đi trong một chương trình mang tên Giao lộ thời gian, trong khi Khánh Ly ngồi dưới làm khán giả.
Chị chọn cách xử lý mượt mà, mang đến một bầu không khí đặc quánh lòng tha thiết, sâu nặng của một người từng trải, đã biết thế nào là những hoài niệm, khiến cả Khánh Ly cũng lim dim lắng nghe.
Và ngược dòng thời gian, dù chưa bao giờ tên tuổi gắn với nhạc Trịnh, nhưng Mỹ Linh như nhiều ca sĩ đồng trang lứa cũng từng phát hành album hát Trịnh, mang tên Tình khúc Trịnh Công Sơn.
Mỹ Linh lúc đó cũng ở tầm tuổi Mỹ Anh hiện nay, nhưng thay vì chọn tình khúc, chị chọn những ca khúc mà có lẽ người ta cần cả đời mới có thể thấu đạt được những chân lý trong đó, như Cát bụi, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Xin trả nợ người, Một cõi đi về…
Vậy nhưng, nghe Mỹ Linh tuổi đôi mươi hát những câu hát triết lý về nỗi nhọc nhằn của đời sống như “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi / Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, “Bao nhiêu năm làm kiếp con người / Chợt một chiều tóc trắng như vôi” mà ta không thấy có sự vênh lệch nào của tuổi tác hay sự thiếu thốn nào của trải nghiệm.
Giọng ca của chị là giọng ca già trước tuổi.
Mỹ Linh hay nhạc sĩ Hồng Kiên là những người trẻ trong thập niên 90.
Tâm tình của họ có sự tiếp nối và gắn bó chặt chẽ hơn với những nghệ sĩ tiền bối và truyền thống nhạc nhẹ Việt Nam, thiên về tính lãng mạn, trữ tình, những suy tư sâu sắc và tình cảm đẹp đẽ, những diễn giải “ý tại ngôn ngoại”.
Trong khi đó, con cái của họ, những nghệ sĩ thế hệ Z với tuổi trẻ diễn ra trong thập niên thứ ba của thế kỷ 21, dường như đã không còn bị phủ bóng bởi những cảm xúc nức nở, những diễn đạt ẩn dụ, những thủ pháp ngôn ngữ mượn mây chỉ trăng.
Họ biểu đạt cảm xúc trực tiếp, thẳng thắn và dạn dĩ, không ngại dùng những động từ mạnh, đặt ở đầu câu – điều hẳn bị ảnh hưởng từ sự lan toả của Anh ngữ trong thời đại họ lớn lên – như có thể thấy trong những sáng tác của Nân:
“Hôm nay cầm kéo lên và em cắt / Cắt tranh ảnh / Cắt cảnh / Cắt đứt những lời thừa thãi tuôn trên đầu môi, những lời cay đắng ra khỏi cuộc đời” (Hôm nay em cắt).
Hay một câu trong sáng tác của Mỹ Anh: “Cầm tay em đi ôm em đi gọi tên em đi hôn em đi”. [Thật thà] Thậm chí ngay cả khi chọn hát lại một ca khúc xưa như Nhìn những mùa thu đi thì Mỹ Anh cũng sẽ chọn cách hát lược bỏ đi những sắc thái u sầu của ca khúc.
Phiên bản trong sáng của Mỹ Anh, bạn có thể nghe trong lúc đang làm việc, uống cafe hay đang chuyện trò với bạn bè mà không cảm thấy bị phân tâm.
Đó là thứ âm nhạc đại chúng của kỷ nguyên nhạc số, kỷ nguyên của thiết bị di động, kỷ nguyên của sự đa nhiệm, kỷ nguyên người ta thường xuyên vừa nghe nhạc vừa làm việc khác, và âm nhạc đại chúng nên vừa đủ hấp dẫn nhưng không cần thiết phải kéo tuột thính giả vào vực sâu xúc cảm.
Điều đó khác hẳn với những phiên bản trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn truyền thống, thường trĩu tình cảm đến mức như một hố đen hút tuột ta vào thế giới của nó.
Không có phiên bản nào tuyệt đối hơn phiên bản nào cả, chỉ là thời đại đã đổi thay. Những mùa thu đi nhưng vẫn còn những mùa thu khác sẽ tới.
Những khoảng cách được lấp đầy
Nhạc Trịnh là nơi thường diễn ra những cuộc “họp mặt” gia đình trong âm nhạc. Không chỉ Mỹ Linh và Mỹ Anh cùng hát nhạc Trịnh, mà một cặp mẹ – con khác là nữ ca sĩ gạo cội Cẩm Vân cùng con gái Cece Trương, sinh năm 1998.
Trong một chương trình trước thềm ra mắt bộ phim Em và Trịnh, hai mẹ con cũng cùng song ca ca khúc Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn.
Có thể là vì một bản song ca trực tiếp, nên Cece Trương đã chọn cách xử lý không quá “khác thường” để phù hợp với giọng hát vang dày như gọi về quá khứ của mẹ mình.
Cece Trương dường như không sợ bị phủ bóng hay sợ bị gọi là “con gái Cẩm Vân và Khắc Triệu”.
Cô không cố gắng thoát khỏi sự ảnh hưởng của cha mẹ mình. Nhiều lần cô cùng cha mẹ kết hợp, cùng hát cả những ca khúc thời đại của cha mẹ và cả những ca khúc của thời đại mình, từ Lắng nghe mùa xuân về tới Ba kể con nghe hay Người lạ ơi.
Hình ảnh một gia đình hạnh phúc cùng nhau du lịch, ca hát đã trở thành một phần đáng mong chờ cho những người theo dõi kênh YouTube của họ.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Cece Trương không có thế giới âm nhạc độc lập của riêng cô, nằm ngoài chiếc bóng của cha mẹ mình và những người bạn của cha mẹ (như ca sĩ Tuấn Ngọc chẳng hạn).
Giọng hát dày được thừa hưởng từ mẹ mình được Cece Trương tận dụng cho những bản nhạc R’n’B pop như Phân tâm một chút hay Đôi mắt biết nói dối, hướng đi cũng có đôi phần tương tự với Mỹ Anh.
hững đĩa đơn của Cece Trương hay album đầu tay Em của Mỹ Anh trong năm 2023 tuy đều không thể thực sự bùng nổ, có thể là vì sự sạch sẽ mà thiếu đi những “lộn xộn” làm điểm nhấn cần thiết, nhưng chúng cũng là những viên gạch đầu tiên xác lập sự ra đời của một thế hệ F2 trong âm nhạc.
Vẫn phải nhắc Mono
Bên cạnh những thế hệ F2 theo nghĩa đen, nghĩa là con cái của những nghệ sĩ ở tuổi trung niên, thì nhạc trẻ hiện đại cũng chứng kiến cả những thế hệ kế tục với khoảng cách gần hơn, như Mono, em trai của Sơn Tùng M-TP.
Với “visual”, sức hút và khả năng trình diễn không thua kém là bao so với anh trai, Mono thừa hưởng cả cộng đồng Sky đông đảo của Sơn Tùng, cả Onionn nhà sản xuất thân thiết một thời của Sơn Tùng, thậm chí cả phong cách âm nhạc của Sơn Tùng – một phong cách mà khi qua tuổi 30, nếu ta vẫn còn theo đuổi thì có vẻ hơi trống rỗng, nhưng khi theo đuổi ở độ tuổi 20 lại hoàn toàn phù hợp.
Và trong hơn một năm qua, trong khi Sơn Tùng loay hoay và chững lại với những sản phẩm lẻ tẻ, dậm chân tại chỗ về ý tưởng, không thể hiện được nhiều bước tiến và sự trưởng thành về âm nhạc, thì Mono ngày càng chứng minh mình là một thế lực mới trong thế hệ Z với hai EP liên tiếp trong hai năm – điều chứng minh sự năng suất mà đến chính Sơn Tùng cũng chưa bao giờ có được.
Đi đâu người ta cũng có thể được nghe những bản hit như Em xinh, Em là, Waiting for you của Mono được bật lên.
Em xinh và Em là có dáng dấp của những bản nhạc pop hoàn hảo – dù bạn thấy giai điệu ấy hay hay dở thì cũng không phủ nhận được nó vô cùng cuốn hút, khiến bạn muốn lắc lư theo nhịp nhạc, khiến bạn thuộc phần lời từ lúc nào không hay, và nghe xong thì những câu từ đơn giản, thậm chí có chút ngây ngô trẻ con của nó lắng đọng trong tâm trí bạn mãi không chịu bay hơi, khiến bạn lẩm nhẩm theo nó.
Tất nhiên, vẫn còn xa để Mono đạt được vị thế độc tôn như Sơn Tùng từng có được, khi mà thế hệ Z là một thế hệ quá phân rẽ về gu âm nhạc khiến cho việc trở thành một ngôi sao hạng trung thì dễ hơn trước đây, nhưng để trở thành một ngôi sao lớn hẳn lại thách thức hơn rất nhiều.
Vượt qua ai đó không phải là mục tiêu của những F2
Tuy nhiên, là thế hệ F2 trong gia đình nghệ sĩ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ta có thể kể bao nhiêu F2 thực sự vượt qua được cha mẹ mình? Ngay cả tính trên bình diện thế giới thì con số đó cũng không quá nhiều.
Mặc dù cũng có Miley Cyrus nổi tiếng ngang bằng, thậm chí có thể là hơn cả người cha Billy Ray Cyrus hay Norah Jones được công chúng biết tới rộng rãi hơn cha cô là nghệ sĩ sitar huyền thoại Ravi Shankar, nhưng hãy nhìn con trai của John Lennon, của Paul McCartney hay con gái của Elvis Presley, con gái của Johnny Cash,… hầu như không mấy ai vươn được tới tầm vóc của cha mẹ mình.
Nhưng có lẽ họ đến với âm nhạc vì đó là lẽ tự nhiên khi sống trong một gia đình toàn âm nhạc, như Nân kể lại trong bài phỏng vấn của mình lý do cô đến với âm nhạc, dù đã theo học một chuyên ngành khác:
“Bố làm nhạc, mẹ yêu bố và yêu âm nhạc nên từ nhỏ em đã được nghe đủ thể loại”. Có lẽ chưa bao giờ, việc vượt qua một ai đó là mục tiêu của những người đến với âm nhạc vì tình yêu.