Tay vợt sinh năm 1997 này đang ở giai đoạn vàng của sự nghiệp khi có những bước tiến vững chắc trên bảng xếp hạng thế giới (hiện xếp hạng 26), đủ điều kiện tham dự hầu hết các giải cầu lông quốc tế danh giá. Các HLV đánh giá trình độ của Thùy Linh hiện tại không thua kém so với các tay vợt trong tốp 20 thế giới. Thực tế những giải đấu gần đây cô liên tiếp đánh bại các đối thủ mạnh như Mariska Tunjung (Indonesia, hạng 7 thế giới) Zhang Beiwen (Mỹ, hạng 10 thế giới), Zhang Yi Man (Trung Quốc, hạng 15 thế giới). Ở tứ kết giải Phần Lan mở rộng hôm qua, tay vợt người Phú Thọ cũng đứng trước cơ hội đánh bại cựu vô địch thế giới Pusarla Sindhu (Ấn Độ, hạng 13 thế giới), nhưng đã bỏ lỡ đầy tiếc nuối.
Điều khiến giới chuyên môn lẫn người hâm mộ chạnh lòng là Nguyễn Tiến Minh trước kia và bây giờ là Nguyễn Thùy Linh phải thường xuyên đi thi đấu quốc tế một mình mà không có HLV đi cùng. Hình ảnh Linh phải tự chăm sóc bản thân, bơ vơ một mình trong giờ nghỉ giữa các ván đấu, trong khi các đối thủ luôn có ít nhất 1 HLV ra sân hỗ trợ về chuyên môn như phân tích điểm yếu của đối thủ và chiến thuật thi đấu tiếp theo. Có HLV đi cùng còn giúp động viên tinh thần thi đấu của các tay vợt, giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn.
Vì điều kiện kinh phí không cho phép, Cục TDTT cũng như Liên đoàn Cầu lông VN chưa thể bố trí chuyên gia hay HLV riêng cho Nguyễn Thùy Linh. Tính ra chi phí để có HLV hoặc chuyên gia riêng đồng hành ở các giải quốc tế lên tới gần 10.000 USD/tháng. Để giải bài toán này không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà phải phát huy vai trò của Liên đoàn Cầu lông VN hoặc cấp thấp hơn là Liên đoàn Cầu lông Đồng Nai, nơi Nguyễn Thùy Linh đang đầu quân. Có một số giai đoạn quan trọng trước kia, cựu số 1 VN Nguyễn Tiến Minh cũng có chuyên gia ngoại nhờ nguồn xã hội hóa từ Liên đoàn Cầu lông TP.HCM cũng như chính sách hỗ trợ tài năng đặc biệt từ Sở VH-TT TP.HCM.
Với những thành công liên tiếp vừa qua, Nguyễn Thùy Linh có được một số nhà tài trợ cá nhân đủ để cô “sống khỏe” với nghề, nhưng để phát huy hết tiềm năng của minh, cô cần sớm có chuyên gia hoặc HLV chất lượng. Chưa kể cô cũng cần được quan tâm về mặt dinh dưỡng, hồi phục để đảm bảo nền tảng thể lực thi đấu các giải quốc tế liên tục, tránh chấn thương. Bản thân Nguyễn Thùy Linh cũng cho biết đây là giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của mình, quyết định sự thành bại trên con đường theo đuổi cầu lông chuyên nghiệp bởi cô không còn trẻ nữa.
Sau khi dừng bước ở tứ kết giải Phần Lan mở rộng, Thùy Linh sẽ tiếp tục tranh tài các giải cầu lông quốc tế lớn ở Đan Mạch, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc nhằm cụ thể hóa mục tiêu đoạt vé tham dự Olympic Paris 2024.