Cảnh bảo thủ đoạn sử dụng logo, tên của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để lừa đảo Hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử: Minh bạch và thuận lợi |
Điều này không chỉ tác động xấu đến trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng thực, nhưng nghiêm trọng hơn, là nguồn cơn cho các hành vi lừa đảo.
Nạn đặt đơn ảo hoành hành ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng thực. Ảnh: Đức Mạnh |
Nguồn cơn cho lừa đảo “việc nhẹ lương cao”
Theo ghi nhận của PV Lao Động, hiện có nhiều hội nhóm trên mạng xã hội có hàng chục nghìn thành viên hoạt động chỉ nhằm mục đích đặt đơn hộ cho gian hàng TMĐT.
Cụ thể, hình thức đặt đơn hộ này không mới, một kiểu được gọi là “seeding” cho gian hàng để tăng lượt tương tác nhưng đang ngày càng biến tướng. Nhiều cá nhân đã lợi dụng, biến nó thành chiêu trò lừa đảo kiếm tiền trên mạng xã hội.
Chia sẻ với PV, anh Quyết Thắng (Hà Nội) cho biết, suýt bị lừa tiền khi tìm hiểu hình thức này. Lúc đầu, anh Thắng vì tò mò mới bình luận thử 1 – 2 bài viết có nội dung tìm người đặt đơn hàng hộ. Sau đó, một tài khoản ảo đã nhắn tin đường link tham gia vào một nhóm chat kín cho anh.
Bên trong nhóm này, các tài khoản liên tục “khoe” thu nhập hằng tháng cao chót vót nhờ đặt đơn hộ. Trong khi đó, gần như không có tin nhắn liên quan đến hướng dẫn công việc.
“Họ yêu cầu tôi cọc 500.000 đồng mới giao nhiệm vụ, lúc này tôi mới tá hoả vì biết mình vừa tham gia nhóm lừa đảo” – anh Thắng kể.
Ông Vũ Xuân Tuyền – một quản trị viên nhóm chuyên chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trên sàn TMĐT – cho hay, tình trạng trên không hiếm gặp, các hội nhóm không thể kiểm soát 100% người tham gia thuộc chủ cửa hàng hay người làm dịch vụ. Do đó, việc cá nhân trà trộn, tham gia nhóm với mục đích lôi kéo, lừa đảo rất dễ xảy ra.
“Theo kinh nghiệm của tôi, các bài đăng tuyển cộng tác viên thu nhập 300 – 500.000 đồng/ngày, không yêu cầu máy tính, mất phí, tuy nhiên, khi triển khai lại yêu cầu mình cọc tiền hay ứng trước tiền đơn hàng là những dấu hiệu lừa đảo. Sau khi “con mồi” nhận được tiền thành công vài lần đầu, chúng bắt đầu cho đặt đơn hàng giá trị cao hơn và bùng tiền, thậm chí nạn nhân phải nạp thêm tiền mới rút được số vốn bỏ ra. Hình thức này cũng tinh vi và thay đổi theo từng thời điểm. Do đó, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác” – ông Vũ Xuân Tuyền chia sẻ.
Ảnh hưởng đến người tiêu dùng thực
Trong quá trình tìm hiểu, PV nhận thấy rằng, đặt đơn ảo cũng xuất phát từ nhu cầu của các chủ gian hàng TMĐT. Hiểu đơn giản, người bán muốn tăng lượt bán cao, phản hồi tốt để tạo sự tin tưởng nhất định cho khách hàng. Họ sẽ sử dụng dịch vụ này với công 10 – 15.000 đồng/đơn.
Trao đổi với PV, anh Dương Hoàng Linh (Tiền Giang) cho biết, đã tham gia thử công việc này và kiếm thêm thu nhập.
“Cửa hàng hoặc bên sàn nhiều dịp khuyến mãi cũng tung ra nhiều mã giảm giá. Việc của mình là đặt hộ đơn có áp dụng tất cả mã đó về địa chỉ của họ đưa cho là hoàn thành một đơn hàng. Tiền công theo thoả thuận hai bên từ trước, tuy không quá nhiều nhưng nếu chăm chỉ vẫn kiếm thêm thu nhập nhất định hằng tháng” – anh Linh nói với PV.
Người này cho biết thêm kinh nghiệm rằng, nếu chủ cửa hàng muốn tìm đơn ảo thực sự, họ sẽ không bắt đóng phí trước, đồng thời không bắt mình nhận hàng trực tiếp, thay vào đó sẽ cung cấp nơi nhận gần với địa chỉ cửa hàng.
“Chủ shop sẽ nhận và thanh toán cho chính đơn đó, người mua chỉ thực hiện thao tác đặt trên ứng dụng điện thoại và đánh giá sản phẩm” – anh Linh nói thêm.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo tổng đài một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, thuật toán của sàn thường ưu tiên những cửa hàng đạt lượng bán cao, phản hồi tích cực, đánh giá 5 sao để xếp đầu bảng tìm kiếm. Đó cũng là lý do nhiều gian hàng phát sinh dịch vụ thuê người tăng lượt tương tác hộ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra với tần suất nhiều sẽ gây ra khó khăn cho quá trình mua sắm của người dùng. Họ có thể mua phải sản phẩm kém chất lượng dù các chỉ số rất tốt.
Theo chính sách đối với người bán, nếu hệ thống phát hiện gian hàng vi phạm sẽ bị hạn chế hiển thị, thậm chí khoá tài khoản vĩnh viễn. Hệ thống cũng cho phép người bán báo cáo gian hàng khác nếu có dấu hiệu vi phạm để đảm bảo quyền lợi và công bằng trong kinh doanh.