Huyện Xuân Trường có 7.503ha quỹ đất nông nghiệp; điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất lúa và những cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, thời gian qua huyện đã áp dụng đồng bộ các biện pháp thiết thực nhằm khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất nông nghiệp.
Cấy lúa bằng phương pháp mạ khay, cấy máy tại xã Xuân Phong. |
Huyện đẩy mạnh hỗ trợ bà con nông dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quy tụ ruộng đất nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất hàng hóa theo quy mô cánh đồng lớn, áp dụng phương thức hiện đại, nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Huyện cũng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế của các địa phương, sản xuất hàng hóa có giá trị cao, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển đa dạng hóa các loại hình canh tác như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế, có sản lượng lớn, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hết năm 2022, toàn huyện đã xây dựng được 81 cánh đồng lớn với diện tích 3.210ha; 18 mô hình liên kết trong trồng lúa với tổng diện tích 379ha tại 7 xã, thị trấn (diện tích liên kết sản xuất vụ xuân là 210ha, diện tích liên kết sản xuất vụ mùa là 169ha). Có 6 doanh nghiệp tập trung 300ha để sản xuất hạt giống lúa lai F1, lúa chất lượng cao, rau, củ, quả hàng hóa và 87 cá nhân tích tụ để sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 488,03ha.
Toàn huyện có 48 cơ sở chăn nuôi trang trại. Trong đó có 2 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 10 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 36 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, các cơ sở đã từng bước thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng xây dựng hầm bioga bảo vệ môi trường. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh qua các năm, đến nay toàn huyện có 640ha ao, đầm và 60 lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Trong đó diện tích thả cá thâm canh là 225ha (chiếm 35,2% tổng diện tích ao đầm), tập trung ở các vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản chủ yếu là các loại cá truyền thống. Riêng tại vùng chuyển đổi Xuân Vinh – Xuân Hòa các hộ nuôi trồng thủy sản đã thả một số loại cá có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, cá lăng, cá trắm đen với diện tích nuôi là 40ha. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã thực hiện kiểm tra, rà soát các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản. Kết quả, từ năm 2020 đến nay, các xã, thị trấn đã được phê duyệt cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng 175,8ha đất trồng lúa, trong đó diện tích chuyển sang trồng cây hàng năm là 64,95ha, trồng cây lâu năm là 44,89ha, trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản là 65,97ha. Dự kiến, riêng năm 2023, toàn huyện tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với tổng diện tích 127,34ha. Trong đó, chuyển đổi trồng cây hàng năm 48,68ha, chuyển đổi trồng cây lâu năm 37,81ha, chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 40,85ha. Nhờ những nỗ lực kể trên, giá trị sản xuất bình quân 1ha canh tác năm 2022 đạt 127,43 triệu đồng, tăng 30,69 triệu đồng so với năm 2018.
Trong những năm tới nông nghiệp vẫn là một ngành mang lại nguồn thu chính cho nền kinh tế huyện Xuân Trường. Tuy nhiên, do một phần diện tích đất nông nghiệp phải chuyển sang các loại đất khác; dự kiến đến năm 2030, quỹ đất nông nghiệp toàn huyện có 6.585ha. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất nông nghiệp, huyện Xuân Trường đã chủ động xây dựng phương án, lộ trình sử dụng quỹ đất nông nghiệp trên quan điểm: Tăng cường các biện pháp thâm canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất và hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích. Phát triển nông nghiệp toàn diện và tổng hợp, tạo bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển lúa phẩm chất cao, tăng diện tích cây công nghiệp và hoa màu. Bố trí đa dạng hoá cây trồng bằng nhiều mô hình như trồng xen canh, luân canh nhiều loại cây trồng, vừa cho sản phẩm đa dạng, vừa cải tạo đất chống độc canh làm thoái hoá đất. Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng. Huyện quy hoạch quỹ đất nông nghiệp sẽ khai thác trong 3 lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt từ nay đến năm 2023: Quy hoạch 23 vùng cánh đồng lớn chuyên trồng lúa chất lượng cao diện tích 1.446ha; quy hoạch các vùng sản xuất lúa đặc sản diện tích khoảng 410ha tại các xã Xuân Bắc 130ha, Xuân Đài 100ha, Xuân Thượng 100ha, Xuân Ngọc 50ha, Xuân Trung 30ha; quy hoạch 2 vùng sản xuất lúa giống với quy mô 150ha tại xã Xuân Ninh, Xuân Kiên. Đến năm 2030, diện tích gieo trồng rau toàn huyện là 1.800ha, sản lượng đạt 36 nghìn tấn, trong đó quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại các xã Xuân Hồng, Xuân Châu với quy mô 210ha; quy hoạch các vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa trên đất 2 lúa với quy mô 500ha. Quy hoạch vùng sản xuất cây công nghệ cao tại các xã: Xuân Hồng, Xuân Châu, Xuân Vinh. Tiếp tục phát triển khuyến khích Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp Wineco (Tập đoàn Masan) mở rộng đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 140ha tại xã Xuân Hồng. Quy hoạch vùng trồng cây dược liệu tập trung tại xã Xuân Vinh. Ngoài ra sẽ chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác với quy mô nhỏ (theo nhu cầu của từng xã). Lĩnh vực chăn nuôi, huyện quy hoạch vùng trang trại tập trung với tổng diện tích 24ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các vùng lớn tại các xã: Thọ Nghiệp, Xuân Ninh, Xuân Hồng, thị trấn Xuân Trường và xây dựng 5 cơ sở tại các xã Xuân Tiến, Xuân Đài, Xuân Hồng, Thọ Nghiệp, thị trấn Xuân Trường. Lĩnh vực thủy sản toàn huyện Xuân Trường quy hoạch 181ha chuyên nuôi trồng thủy sản. Trong đó có 8 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (diện tích mỗi vùng trên 10ha) thuộc các xã: Xuân Tân (1 vùng quy mô 30ha); Xuân Thành (2 vùng quy mô 31ha); Xuân Vinh (2 vùng quy mô 80ha); Xuân Hòa (2 vùng quy mô 30ha); Xuân Ninh (1 vùng quy mô 10ha).
Với phương án khai thác, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất nông nghiệp, huyện Xuân Trường hướng đến mục tiêu góp phần phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy