Xuân Trường là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Trên địa bàn huyện có 41 di tích lịch sử – văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), UBND tỉnh xếp hạng; trong đó, có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt – Chùa Keo Hành Thiện, 8 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh; 113 di tích nằm trong danh mục kiểm kê; 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện.
Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia Đền Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường được trùng tu, tôn tạo theo quy mô và phong cách nghệ thuật kiến trúc truyền thống. |
Thực hiện Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 9-8-2022 của UBND huyện Xuân Trường về việc triển khai thực hiện Chương trình “Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền về giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các di tích của địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các “tài sản” vô giá của tiền nhân để lại, bồi đắp niềm tự hào và phát huy vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân trong việc sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, gắn kết cộng đồng. Hệ thống di tích lịch sử – văn hóa ở Xuân Trường được phân bố rộng khắp các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhiều địa phương có hệ thống di tích dày đặc như: Xuân Vinh, Xuân Kiên, Xuân Hồng, Xuân Ninh, thị trấn Xuân Trường… Cùng với việc khảo sát, nghiên cứu các di tích để lập hồ sơ khoa học và pháp lý trình cơ quan chức năng xếp hạng di tích làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo vệ di tích, huyện đã đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo các di tích từ nguồn kinh phí xã hội hoá và nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích. Nguồn vốn đầu tư xây dựng, phục hồi di tích được các địa phương quản lý chặt chẽ. Các di tích được tôn tạo đảm bảo chất lượng, giữ nguyên giá trị gốc theo đúng quy định về quản lý, bảo tồn di tích. Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1787/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp một số hạng mục Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh. Ở xã Xuân Kiên, di tích Đền – Chùa Kiên Lao thờ Anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được khởi công trùng tu, tôn tạo đầu năm 2016, đến nay đang dần hoàn thiện. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều di tích đã được trùng tu, đang trong quá trình tu bổ và chuẩn bị xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng; tiêu biểu như: Từ đường họ Vũ, xã Xuân Vinh kinh phí 4,69 tỷ đồng; Đền – Chùa Hoành Quán, xã Xuân Thủy kinh phí 9,5 tỷ đồng; Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng kinh phí 4,6 tỷ đồng…
Trong quá trình trùng tu, tôn tạo, Ban quản lý các di tích đã tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng, nghệ thuật kiến trúc di tích, thân thế sự nghiệp của các nhân vật thờ tự; tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo di tích. Nâng cao công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại di tích, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ di tích đảm bảo thường xuyên, liên tục; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm, hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng và khai thác giá trị di tích. UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các địa phương triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa. Các trường học tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo vệ di tích như: dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tổ chức tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử – văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa và cách mạng của quê hương.
Đồng chí Vũ Văn Vinh, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Xuân Trường cho biết: “Công tác trùng tu, tôn tạo, xây dựng di tích được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để góp phần nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ, quảng bá và phát huy giá trị di sản ở địa phương. Thời gian qua, huyện đã làm tốt công tác này ở hầu hết các di tích đã được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia, kể cả các di tích trong danh mục kiểm kê. Từng viên gạch ngói, tảng đá, sắc phong, bia ký, cổ vật, cổ thư, hay các cấu kiện kiến trúc bằng gỗ như: cột trụ, cửa võng, vì kèo, mê cuốn… cho đến tổng thể cảnh quan môi trường như: sân vườn, tường rào, cây cổ thụ… đều được bảo tồn, tôn tạo, mở rộng dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của Sở VH, TT và DL, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh các di tích đã nhận được sự quan tâm, tài trợ từ các cá nhân, tập thể để trùng tu, tôn tạo kịp thời thì hiện nay, trên địa bàn huyện Xuân Trường vẫn còn một số di tích đang bị xuống cấp nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo do không có nguồn kinh phí như Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh có nhiều hạng mục đã xuống cấp”.
Xuân Trường cũng là địa phương có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đa dạng với đa dạng các loại hình, từ lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện là một trong 7 lễ hội của tỉnh được Bộ VH, TT và DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện hàng năm diễn ra 2 kỳ vào mùa xuân và mùa thu, đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan, nghiên cứu. Lễ hội mùa xuân được tổ chức từ ngày 12 đến 15-2 âm lịch tại Chùa Đĩnh Lan (Chùa Keo ngoài) với các nghi lễ: dâng hương, rước kiệu, yến lão… Lễ hội mùa thu trước kia được nhân dân làng Hành Thiện tổ chức từ ngày 10 đến 16-9 âm lịch. Hiện nay, các nghi lễ chính trong lễ hội được tổ chức từ ngày 12 đến 15-9 âm lịch, góp phần bảo tồn các nghi lễ cổ như: trình Phật, Thánh, phụng nghinh, phục miều (triều y), dựng phan (phướn), Thánh đản và khoa giáo rối, lễ tạ; đồng thời duy trì nhiều trò chơi, loại hình diễn xướng dân gian như: hát chèo, bơi chải, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng, leo cầu ngô bắt vịt, múa sư tử… Từ khi được ghi danh (năm 2019) đến nay, công tác quản lý, tổ chức lễ hội Chùa Keo Hành Thiện luôn được UBND huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội và cộng đồng người dân xã Xuân Hồng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, trang trọng theo nếp sống văn minh, tạo thuận lợi cho người dân chiêm bái cảnh quan di tích, tham quan, du lịch, thực hành tín ngưỡng, tham gia các hoạt động văn hóa bản địa của cộng đồng; ngăn chặn tình trạng thương mại hóa hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và các hành vi vi phạm an ninh trật tự, mê tín dị đoan… Những năm gần đây, ở các lễ hội làng truyền thống như: làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng; làng An Cư, xã Xuân Vinh; làng Xuân Hy, xã Xuân Thủy; làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường; làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên… gắn với nhiều sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thì đại diện cộng đồng có di sản đã thường xuyên cùng chính quyền địa phương, Phòng VH-TT huyện trực tiếp đảm nhiệm việc tổ chức, điều hành, theo dõi, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội và bảo vệ giá trị di sản. Đó là cơ sở tạo ra sự đồng thuận của cộng đồng để duy trì lễ hội theo hướng bền vững, văn minh và đem lại hiệu ứng tích cực trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản ở huyện Xuân Trường đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đồng thời hình thành các địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc, hấp dẫn du khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng