Xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, “chắp cánh” cho nông sản vươn xa ra thị trường trong, ngoài nước với các điều kiện cần và đủ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ các hợp tác xã, người dân xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu, tạo tính bền vững lâu dài cho sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Chế biến sản phẩm OCOP “nước mắm Nhà thờ đổ” tại xã Hải Lý (Hải Hậu). |
Với mong muốn xây dựng, phát triển thương hiệu cho nông sản, thực phẩm của địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định đã thực hiện dự án khoa học và công nghệ (KH và CN) “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định”. Được sự hỗ trợ tích cực của Sở KH và CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Hiệp hội đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” gồm các sản phẩm: thịt lợn, cá, thịt gia cầm, rau, củ, quả, trứng, muối… Các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể này đáp ứng các tiêu chí: được áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP – phân tích các mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn, GAP – quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, GMP – thực hành sản xuất tốt, SSOP – quy trình vận hành tiêu chuẩn vệ sinh… từ khâu sản xuất, bảo quản đến vận chuyển theo quy trình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”… Các sản phẩm đều gắn mã tem QR, gắn nhãn hiệu tập thể để quản lý sản xuất, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả. Sau khi xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể, đơn vị thành viên Hiệp hội là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản được khai thác, phát triển sản phẩm của mình thông qua “giấy thông hành” này để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu một cách hiệu quả. Người dân biết đến nhiều hơn các sản phẩm: giò nóng 7 phút Nam Phát, dồi sụn nướng Nam Phát (Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát); muối hạt sạch, muối biển nhạt Royal (Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định). Các sản phẩm gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân (Công ty TNHH Toản Xuân) đã có mặt tại hệ thống siêu thị, cơ sở cung ứng nông sản, thực phẩm lớn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước; nghêu sạch Lenger (Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam) đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới… Không chỉ vậy, dự án còn góp phần tạo niềm tin của thành viên thuộc Hiệp hội, người tiêu dùng trong việc xác lập, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về sở hữu trí tuệ; là công cụ để định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng vào thực tiễn, phục vụ lợi ích dân sinh. Từ 200 sản phẩm với 34 cơ sở ban đầu, tính đến thời điểm hiện tại Hiệp hội đã phát triển lên tới 350 dòng sản phẩm/38 cơ sở.
Nam Định nổi tiếng là đất trăm nghề có lịch sử lâu dài và có nhiều sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông, thủy, hải sản, ngành hàng chủ lực của địa phương. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng KH và CN nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các nông sản là tiềm năng, lợi thế của tỉnh và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH và CN phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ bằng nhiều hình thức phong phú như phối hợp tuyên truyền với Báo Nam Định; mở chuyên mục Sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; thông tin trên Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố; thông tin trên bản tin KH và CN Nam Định. Sở KH và CN đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về sở hữu trí tuệ, kỹ năng xây dựng, quản lý, bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị, uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện hội nhập giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, Sở KH và CN hỗ trợ thực hiện các hoạt động về bảo vệ thương hiệu như: thiết kế, xây dựng nhãn hiệu, xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, xây dựng mô hình quản lý nhãn hiệu, xây dựng các phương tiện quảng bá, khai thác giá trị nhãn hiệu, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ và xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển cho 4 nhãn hiệu tập thể (nước mắm Giao Châu, cá bống bớp Nghĩa Hưng, cơ khí Xuân Tiến, Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định); 3 nhãn hiệu chứng nhận (đồ gỗ La Xuyên, bánh nhãn Hải Hậu, mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy) và gần 300 nhãn hiệu thông thường cho các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh. Nhiều sản phẩm mới của Nam Định được hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn và được nhiều người tiêu dùng biết đến như: nấm Linh Phát; su hào, cà rốt, củ cải sấy khô Hải Hậu; ngô, khoai tây, khoai lang, chuối, mít sấy khô Minh Dương; cá nướng, bề bề rang muối, cáy mật Dũng Oanh; sứa Tân Long; cá bống bớp Nghĩa Hưng…
Việc xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống, chủ lực của địa phương đã tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm. Thời gian tới, Sở KH và CN tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định sản xuất, xây dựng và phát triển một số thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh; khẳng định vai trò quan trọng của KH và CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh