Với mục tiêu xây dựng thị trấn Lâm (Ý Yên) trở thành đô thị kết nối giữa 2 trung tâm đô thị lớn là thành phố Nam Định và thành phố Ninh Bình; kết hợp với việc hình thành đô thị mới 4 xã (Yên Bằng, Yên Tiến, Yên Quang, Yên Hồng) tạo thành hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng phía tây của tỉnh, trở thành đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh, ngày 22-8-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1654/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Lâm đến năm 2030.
Sản xuất các sản phẩm cơ khí đúc tại Cụm công nghiệp thị trấn Lâm. |
Theo quy hoạch, thị trấn Lâm nằm tiếp giáp với đô thị mới 4 xã (Yên Bằng, Yên Tiến, Yên Quang, Yên Hồng) là thị trấn huyện lỵ, tập trung hệ thống các cơ quan lãnh đạo của huyện; là nơi giao thoa của 2 hành lang kinh tế tây bắc và tây nam của tỉnh tạo nên lợi thế và giá trị đặc biệt cho phát triển kinh tế và xây dựng hình ảnh đô thị. Trên địa bàn thị trấn có các công trình hạ tầng đầu mối (các trục Quốc lộ 38B, 37C và tỉnh lộ 485); hệ thống các cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư phát triển, mở rộng quy mô cũng như chất lượng; không gian đô thị với hệ thống hạ tầng xã hội được đầu tư tương đối hoàn chỉnh là nhân tố chính tạo ra sự phát triển theo hướng bền vững cho thị trấn trong giai đoạn tiếp theo. Theo Quyết định 1654/QĐ-UBND của UBND tỉnh, khu vực quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Lâm (sau khi sáp nhập xã Yên Xá) là 686,28ha; ranh giới phía bắc giáp xã Yên Bình; phía nam giáp các xã Yên Hồng, Yên Tiến; phía đông giáp các xã Yên Dương, Yên Ninh; phía tây giáp các xã Yên Hồng, Yên Khánh. Tính chất là thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Ý Yên, đô thị quan trọng trong khu vực phát triển kinh tế công nghiệp – dịch vụ công nghiệp phía tây của tỉnh; là khu vực đô thị văn minh, hiện đại với hệ thống hạ tầng đồng bộ. Thị trấn Lâm trong tương lai được định hướng phát triển có quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 là 26,6 nghìn người; là đô thị loại IV.
Thị trấn Lâm được định hướng xây dựng phát triển lan toả từ trung tâm đô thị hiện hữu về phía đông bắc và tây nam thị trấn, trên cơ sở khai thác hiệu quả từ một phần quỹ đất nông nghiệp chưa xây dựng còn lại với 4 phân khu chức năng. Khu vực 1 phía đông bắc thị trấn (phía đông Quốc lộ 37C và phía bắc đường Tống Xá) với diện tích 220,7ha với tính chất là khu vực trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Ý Yên; phát triển đô thị gắn với dịch vụ – thương mại, sản xuất công nghiệp. Khu vực 2 phía tây bắc thị trấn (phía tây Quốc lộ 37C và phía bắc sông nhánh của sông 40S) với diện tích 210,7ha có tính chất là khu vực trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của thị trấn; nơi tập trung các công trình công cộng, đầu mối của huyện và thị trấn; phát triển đô thị, dịch vụ thương mại và sản xuất nông nghiệp. Các khu vực 3 và 4 (phía tây Quốc lộ 37C và phía nam sông nhánh sông S40; phía đông Quốc lộ 37C và phía nam đường Tống Xá) với tổng diện tích 254,88ha là các khu vực tập trung phát triển đô thị, dịch vụ thương mại và sản xuất công nghiệp.
Để đáp ứng các mục tiêu phát triển đó, không gian kiến trúc, cảnh quan được xác định, ở các khu vực trung tâm tiếp tục khai thác các công trình đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, có kiến trúc cảnh quan mang tính thẩm mỹ; thực hiện cải tạo chỉnh trang đối với công trình xuống cấp hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đối với khu vực định hướng phát triển mới cần phát triển các tổ hợp công trình và kiểu mẫu kiến trúc tạo không gian kiến trúc đặc trưng, đa dạng ý nghĩa văn hoá. Thị trấn Lâm sẽ có các trục phát triển chủ đạo gồm: dọc trục Quốc lộ 37C bố trí hệ thống các hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội của huyện và thị trấn…; dọc trục Quốc lộ 37B định hướng thiết kế cảnh quan đô thị bằng hệ thống đèn led, pa-nô, biểu ngữ, hệ thống ghế đá, bồn hoa trang trí tại phía giáp sông; dọc theo đường trục kết nối từ Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 37B (phía đông thị trấn) là trục đường quy hoạch mới song song với trục đường Quốc lộ 37C, định hướng bố trí quỹ đất dịch vụ thương mại của thị trấn và huyện; dọc các trục đường đôi hiện hữu và đường đôi quy hoạch mới là các trục cảnh quan chính của từng phân khu, tạo hướng kết nối với các khu vực lân cận, định hướng bố trí hệ thống các công trình với kiến trúc hiện đại, quy mô lớn, tạo tính năng động, văn minh.
Trong tương lai, giao thông của thị trấn Lâm sẽ có hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại và giao thông tĩnh đồng bộ. Trong đó, hệ thống giao thông đối ngoại gồm Quốc lộ 38B được quy hoạch mở rộng đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 11m; Quốc lộ 37C quy hoạch mở rộng mặt đường 9m, đoạn qua thị trấn từ ngã tư phố Cháy đến địa phận thôn Đông Hưng, xã Yên Khánh, quy hoạch mở rộng quy mô mặt đường 21m. Hệ thống giao thông đối nội gồm các đường trục chính đô thị (các trục đường chính liên kết các trung tâm đô thị, liên hệ trực tiếp với các Quốc lộ 37C, 38B rộng từ 28 đến 43m); quy hoạch xây dựng mới: tuyến đường đôi (đoạn tuyến tránh Phủ Dầy) kết nối từ Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 37B rộng 43m; tuyến đường đôi kết nối từ đường trục chính nội thị (trục đường phía tây sông S40) sang xã Yên Dương rộng 28m; quy hoạch kéo dài tuyến đường đôi thị trấn qua phía bắc Cụm công nghiệp thị trấn Lâm kết nối sang khu vực đô thị mới 4 xã rộng 28m… Đường khu vực gồm các tuyến có vai trò kết nối các khu chức năng với các trục chính đô thị, được thiết kế rộng 11m… Đường phân khu vực và đường nội đô thị gồm các tuyến có vai trò kết nối các khu chức năng với các trục chính và đường khu vực đô thị lòng đường rộng từ 6 đến 7,5m; các trục giao thông giáp sông, kênh, cần có giải pháp ở phía lề giáp sông, kênh để đảm bảo an toàn giao thông và tạo cảnh quan như lắp hộ lan, tôn lượn sóng… Các công trình đầu mối giao thông gồm thực hiện nâng cấp, cải tạo hệ thống cầu dân sinh trên địa bàn thị trấn, đảm bảo tiêu chuẩn và nhu cầu sử dụng; quy hoạch mới bến xe trung tâm huyện với quy mô 2,8ha; xây dựng các nút giao thông tại các điểm giao giữa các trục giao thông đối ngoại và các đường trục chính đô thị.
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Lâm đến năm 2030 có vai trò quan trọng đánh thức các tiềm năng phát triển khu vực; góp phần đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thị trấn nói riêng, huyện Ý Yên nói chung đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo. UBND thị trấn đã tổ chức hội nghị công khai quy hoạch với cán bộ chủ chốt ở cơ sở; công khai quy hoạch tại trụ sở Đảng ủy, HĐND và UBND thị trấn để nhân dân biết và tham gia giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, góp phần xây dựng thị trấn xứng đáng là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của huyện Ý Yên./.
Bài và ảnh: Thành Trung