Phát huy truyền thống văn hiến của quê hương, tiếp thu tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định quyết tâm xây dựng nền văn hóa và con người Nam Định phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; đưa Nam Định sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh phát triển khá của cả nước, góp phần hiện thực hóa khát vọng “tam nông” thịnh vượng, giàu có, văn minh, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu khi về thăm Nam Định “Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc”.
Rước kiệu trong Lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định). |
Vùng quê văn hiến “Địa linh, nhân kiệt”
Tháng 8/2024, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban TVTU Nam Định, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Nam Định là vùng đất địa linh nhân kiệt có bề dày lịch sử, giàu bản sắc văn hóa; có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ; có vị trí rất thuận lợi để kết nối với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận. Là tỉnh có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có chất lượng; có truyền thống hiếu học lâu đời.
Trước đó, năm 2023, tại buổi làm việc với BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ: Nam Định là tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nổi tiếng với “Hào khí Đông A”. Tỉnh nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có tiềm năng phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch với lợi thế bờ biển dài 72km; lịch sử, văn hóa, kiến trúc đa dạng, phong phú. Con người Nam Định là nguồn vốn quý nhất của tỉnh với truyền thống văn hóa, lịch sử, khoa bảng, hiếu học, giàu truyền thống yêu nước cách mạng anh hùng, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Nam Định tự hào là quê hương đã sinh ra đồng chí Trường Chinh – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tháng 2/1943, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội) không chỉ được xem là một văn kiện lịch sử quan trọng mà còn là cương lĩnh hành động đầu tiên về văn hóa, thể hiện vai trò lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa và cách mạng văn hóa.
Là quê hương – nơi phát tích của Vương triều Trần và hào khí Đông A đã tạo nên văn minh Đại Việt rực rỡ đạt đến đỉnh cao về “võ công, văn trị”, dưới thời Trần từng giữ vị thế như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long, Nam Định là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hóa. Trong quá trình xây dựng và phát triển, cộng đồng địa phương trong tỉnh đã sáng tạo và lưu truyền nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển văn hóa, con người, xây dựng thiết chế văn hóa, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho lĩnh vực văn hóa cũng được các ngành, địa phương quan tâm.
Công tác xã hội hóa hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích đã được triển khai hiệu quả, với sự tham gia đóng góp tích cực của nhân dân. Toàn tỉnh có 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 87 di tích xếp hạng quốc gia, 334 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 5 nhóm bảo vật quốc gia. “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; 11 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định); Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản); Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định; Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường); Lễ hội Chùa Đại Bi (Nam Trực); Lễ hội Đền – Chùa Linh Quang (Trực Ninh); Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ xã Yên Xá, nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên)…
Với mục tiêu “xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại”, để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu. Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận, đóng góp công sức, trí tuệ và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Tỉnh Nam Định luôn ưu tiên quỹ đất và đầu tư cơ sở vật chất xây dựng các thiết chế văn hóa cấp xã, cấp thôn và dành không gian vui chơi, giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM ở địa phương. Hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện đã phát huy hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, nâng cao dân trí. 100% xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hóa; 2.054 sân thể thao thôn/xóm/tổ dân phố phục vụ hoạt động tập luyện thể dục thể thao của người dân. Đến nay, huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; toàn tỉnh có 157/161 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 97,5%) và 41/146 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 28,1%).
Biểu diễn trống Cà rùng (Nghi thức tôn giáo) trong Ngày hội Văn hóa – Thể thao truyền thống huyện Hải Hậu dịp Quốc khánh 2/9. |
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ then chốt
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhằm cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tạo sự thống nhất thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX ban hành Kết luận số 75-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU với mục tiêu phát huy truyền thống văn hiến của quê hương Nam Định, tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội”. |
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được đông đảo cán bộ, nhân dân hưởng ứng và chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có 2.052/2.160 khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt 95%), có 581.482/620.944 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 93,64%); có 1.519/1.670 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 5 năm (đạt tỷ lệ 91%). Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như xây dựng mô hình gia đình bình đẳng, ấm no và hạnh phúc.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; những năm qua, quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung xây dựng con người Nam Định phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tri thức và thể chất. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,8%. Ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh – nhân tố quan trọng trong sự nghiệp trồng người với mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” – được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả nổi bật với thành tích gần 30 năm liên tục trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục; nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Trong 10 năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nam Định có 6 năm đứng thứ nhất, 3 năm đứng thứ nhì về điểm trung bình các môn thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Nam Định đứng thứ 2 toàn quốc về số điểm trung bình các môn thi, trong đó môn Toán (điểm trung bình đạt 7,262) xếp thứ nhất cả nước trong 10 năm liên tiếp. Đến nay, toàn tỉnh có 230 trường mầm non, trong đó có 198 trường đạt chuẩn quốc gia, 180 trường đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn; 228 trường tiểu học, trong đó có 218 trường đạt chuẩn quốc gia, 217 trường đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn; 226 trường THCS, trong đó có 218 trường đạt chuẩn quốc gia, 205 trường đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn; 45 trường THPT công lập, trong đó có 43 trường đạt chuẩn quốc gia, 22 trường đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được chú trọng triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã có hơn 100 nghìn lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng, hơn 2,5 triệu lượt người học ngoại ngữ, bồi dưỡng tin học ứng dụng và học nghề ngắn hạn; số lượt cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng luôn tăng qua các năm. Số gia đình học tập đạt 86%; dòng họ học tập đạt 78%; cộng đồng học tập đạt 90%; đơn vị học tập đạt 97%. Hoạt động trao học bổng, tặng quà cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, khen thưởng cho học sinh giỏi các cấp, trong phong trào “Học không bao giờ cùng” đã tạo sức lan tỏa sâu rộng. Tổng quỹ khuyến học toàn tỉnh năm 2023 là 234 tỷ 581 triệu đồng; đã chi khen thưởng và học bổng với tổng số 151.096 suất quà, trị giá 51 tỷ 579 triệu đồng.
Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Kết luận số 75-KL/TU, ngày 14/12/2021 của Tỉnh ủy Nam Định về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định”.
Triển khai chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình, đề án trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quốc tế. Triển khai hiệu quả Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030”. Khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa.
Bài và ảnh: Việt Thắng và Minh Tân
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/vung-tien-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-bang-van-hoa-tu-van-hoa-73c7d74/