Thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Hội Nông dân (HND) tỉnh về “Vận động nông dân sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn để phát triển bền vững, nâng cao giá trị hàng hóa.
Sản phẩm OCOP cá nhệch kho niêu của nông dân xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). |
Hàng năm, các cấp HND trong tỉnh phối hợp với ngành Y tế, Nông nghiệp và các ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện các quy định, văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm; phổ biến, quảng bá, khích lệ các mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn… HND tỉnh đã phối hợp với Ban Xã hội (Trung ương HND Việt Nam) tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm; qua đó góp phần nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an toàn thực phẩm; quy trình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; khoa học công nghệ mới, kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi; cách bảo quản, chế biến, tiêu dùng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản. Chi cục còn phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức các lớp tập huấn sản xuất nông sản an toàn cho hội viên nông dân tại các huyện Xuân Trường, Hải Hậu; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) tổ chức các lớp truyền thông kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ, hội viên nông dân của 9 huyện, thành phố; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn xây dựng thương hiệu, nhãn mác truy xuất nguồn gốc cho cán bộ, tổ trưởng tổ hợp tác tiêu biểu trong toàn tỉnh; phối hợp với các doanh nghiệp lắp đặt hàng nghìn bể biogas bằng công nghệ composit cho các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại… Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội cũng đã phối hợp tổ chức được 1.525 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho trên 185 nghìn lượt hội viên, nông dân tham dự, tổ chức trình diễn hơn 769 mô hình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Để tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn, hàng năm, HND tỉnh chỉ đạo HND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương tổ chức cho hội viên đăng ký và ký cam kết thực hiện nội dung “3 không” (không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn). HND các cấp trong tỉnh còn chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Tiêu biểu như mô hình “Chi HND nghề nghiệp chăn nuôi vịt thương phẩm, hỗ trợ và củng cố hợp tác xã (HTX)” tại xã Hải Hưng (Hải Hậu); mô hình “Liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen” tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường); mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo chuỗi giá trị liên kết nông dân các huyện với Công ty TNHH Toản Xuân; mô hình chăn nuôi lợn sinh học tại xã Trực Thắng (Trực Ninh); mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh); mô hình “Chi, tổ HND nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” tại xã Trung Nghĩa (Ý Yên); mô hình “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, HTX” tại xã Thành Lợi (Vụ Bản)… Cùng với đó, HND tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên minh HTX tỉnh duy trì tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” trưng bày, giới thiệu những sản phẩm an toàn, chất lượng của hội viên nông dân, phụ nữ, thành viên HTX, qua đó động viên, khuyến khích, tôn vinh những ý tưởng, sản phẩm tiêu biểu sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Hàng năm, các cấp HND trong tỉnh còn cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra giám sát về an toàn thực phẩm theo đề nghị của các ngành chức năng trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến, đảm bảo an toàn nông sản thực phẩm của các hộ nông dân; vận động nông dân tích cực đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, đặc biệt là hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm. Để khuyến khích nông dân sản xuất an toàn, HND tỉnh còn ký kết chương trình phối hợp với HND các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, HND tỉnh Hà Giang quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh tổ chức hơn 100 lớp tuyên truyền hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, HND các huyện, thành phố đã phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân đưa 325 nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử POSTMART.
Đặc biệt, với mong muốn phát triển thị trường, mở rộng đầu ra cho nông sản an toàn, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, các cấp HND trong tỉnh đã tích cực kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua hệ thống cửa hàng sạch. HND tỉnh trực tiếp chỉ đạo HND huyện Hải Hậu làm điểm thành lập cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa tại xã Hải Hưng nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có uy tín; cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các sản phẩm OCOP của tỉnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập “Cửa hàng nông sản an toàn” Thành Nam Food tại thành phố Nam Định. Các cấp Hội cũng đã phối hợp thành lập các cửa hàng nông sản an toàn, điển hình như HND huyện Giao Thủy phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện khai trương ra mắt “Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản sạch” trưng bày, bán sản phẩm có chứng nhận OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương. HND huyện Trực Ninh phối hợp với cơ sở Hiền Thục khai trương “Cửa hàng nông sản an toàn” tại xã Trực Thái chuyên cung cấp các nông sản hữu cơ từ trang trại chăn nuôi Hiền Thục, được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP trong và ngoài huyện tới tay người tiêu dùng. Trong đó, sản phẩm thịt lợn hữu cơ thảo dược Hiền Thục được chăn nuôi theo quy trình khép kín, áp dụng 4 “không”: không sử dụng chất cấm, chất kháng sinh, chất tăng trọng, không kim loại nặng. Ngoài ra, HND tỉnh còn tham gia gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh tại hội chợ của Trung ương Hội và các tỉnh.
Những chuyển biến tích cực trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn đã góp phần tạo sự phát triển bền vững, nâng cao giá trị hàng hóa. Ý thức, nhận thức về vấn đề liên kết chuỗi, an toàn thực phẩm đảm bảo sức khỏe cũng ngày càng được nâng lên; xuất hiện nhiều mô hình tổ hợp tác, HTX, chi, tổ HND nghề nghiệp gắn với hình thành các chuỗi liên kết. Các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, đào tạo nghề, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, quảng bá sản phẩm OCOP an toàn được tăng cường và đẩy mạnh. Các cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn do HND hướng dẫn thành lập bước đầu hoạt động có hiệu quả. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua của Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202412/van-dong-nong-dan-san-xuat-kinh-doanhnong-san-thuc-pham-an-toan-93f5695/