Những năm gần đây, một số hợp tác xã (HTX) cùng nông dân trong tỉnh đã năng động bắt kịp với xu hướng sản xuất hiện đại, chuyển đổi sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX, đặc biệt đối với khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án sản xuất hoa lan công nghệ cao tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định). |
Một trong những HTX đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là HTX Sản xuất và Kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Tham gia Dự án khoa học và công nghệ (KH và CN) “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định”, HTX đã được hỗ trợ đầu tư lắp đặt nhà màng hiện đại với hệ thống tưới nhỏ giọt, kho lạnh bảo quản hoa và hệ thống làm lạnh xử lý cây ra hoa như ý. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư hệ thống điều khiển tự động và bán tự động để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm theo nhu cầu sinh trưởng ở từng giai đoạn của cây hoa. Từ đó giúp người trồng có thể chủ động chăm sóc, điều tiết quá trình sinh trưởng cho số lượng hoa hữu hiệu và chất lượng sản phẩm cao cung ứng cho thị trường. Trong 2 năm sản xuất, doanh thu của mô hình ước đạt trên 8,1 tỷ đồng; lãi thuần ước đạt 2 tỷ đồng.
Trên địa bàn xã Giao Tiến (Giao Thủy) trong thời gian qua đang dần hình thành những cánh đồng “không có dấu chân người”. Thành viên của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến gần như rất ít phải “chân lấm tay bùn”, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, chủ yếu chỉ có mặt tại ruộng vào thời kỳ thu hoạch lúa thay vì cả ngày ngoài đồng như trước đây. Đó là bởi hàng trăm ha ruộng được cơ giới hóa hầu hết các khâu canh tác, từ làm đất, gieo hạt, phun thuốc trừ sâu cho đến thu hoạch đều được máy móc, công nghệ thực hiện trên những cánh đồng lớn. Thực hiện chương trình cơ giới hóa đồng bộ, từ vụ xuân năm 2022, HTX Quyết Tiến đã phối hợp với HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tân xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị bay XAG P80 phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Đây là thiết bị bay công suất lớn, mang tải 40kg, tích hợp cả hệ thống xả lúa, điều khiển tự động, trang bị nhiều tính năng thông minh, có thể xác định tình trạng cây trồng, tính toán chính xác lượng thuốc cần phun để tránh lãng phí thuốc và giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi thu hoạch. Bình quân mỗi ngày, thiết bị XAG P90 có thể phun được khoảng 30-50ha, rút ngắn thời gian phun, giảm thiểu độc hại cho con người, bảo vệ môi trường bởi toàn bộ vỏ bao bì thuốc trừ sâu bệnh được HTX thu gom, xử lý tập trung và tăng khả năng phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, ứng dụng phương pháp này cũng giúp người dân tiết kiệm 10-12 nghìn đồng/sào.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của KHCN hiện đại, ứng dụng công nghệ cao không chỉ được các HTX đưa vào sản xuất mà còn trong quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra… mang đến cho các HTX nhiều cơ hội, và trở thành giải pháp hữu ích nâng cao hiệu quả kinh tế. Để thích ứng với kinh doanh trên nền tảng số, ngoài việc phát triển kênh bán hàng truyền thống thông qua các nhà phân phối và hệ thống bán lẻ trực tiếp, HTX Nông nghiệp và Thủy sản Hải Hậu, xã Hải Lý (Hải Hậu) đã chú trọng đến việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki hay mạng xã hội Facebook và được áp dụng hình thức thanh toán COD (thu tiền khi nhận hàng) hoặc chuyển tiền qua ngân hàng điện tử. Ngoài ra, sản phẩm “Nước mắm Nhà thờ đổ” của HTX còn được gắn tem QR giúp người tiêu dùng chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh là có thể quét mã truy xuất nguồn gốc, nắm bắt đầy đủ thông tin về sản phẩm chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, chế biến: ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… minh bạch chất lượng hàng hóa. Hiện nay, sản phẩm “Nước mắm Nhà thờ đổ” của HTX đang được nhiều người tiêu dùng biết tới, mỗi năm tiêu thụ trên 200 nghìn lít nước mắm, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.
Tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình đã xây dựng thành công vùng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm gạo nếp Bắc đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 15ha với hơn 50 hộ dân tham gia. Đồng thời xây dựng thành công sản phẩm “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Được Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ, HTX đã xây dựng website (http://htxnghiabinh.vn), giới thiệu và bán hàng trực tuyến qua Website, Zalo, Facebook. Nhờ đó chất lượng, thương hiệu gạo nếp Bắc Nghĩa Bình được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến. Việc xây dựng thành công sản phẩm gạo OCOP và đẩy mạnh thương mại điện tử đã nâng cao giá trị hạt gạo Nghĩa Bình lên 10-15% so với đại trà, giúp HTX trở thành đơn vị điển hình tiên tiến hoạt động có hiệu quả, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020. Mỗi năm, HTX cung ứng hơn 20 tấn sản phẩm OCOP gạo nếp Bắc và 3 tấn sản phẩm OCOP gạo lứt huyết rồng.
Thời gian qua, Sở KH và CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; hỗ trợ ứng dụng KH và CN mới. Nắm bắt nhu cầu của các HTX, trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan cùng các địa phương hỗ trợ các HTX thực hiện các nhiệm vụ KH và CN; đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị, tem, nhãn, bao bì; thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm; bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xúc tiến thương mại… Toàn tỉnh hiện có 15 HTX điển hình duy trì hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Đó là các mô hình: sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất lượng cao tạo ra các sản phẩm OCOP như dưa lê, rau ngót, cà chua hồng, củ cải, vịt trời… của HTX Kinh tế tuần hoàn Đình Mộc; sản xuất rau củ quả sạch, an toàn theo VietGAP của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên); HTX Thủy sản Hải Điền và HTX Thủy sản và môi trường Gia Hưng, xã Hải Chính (Hải Hậu) ứng dụng KHCN sản xuất các loại thủy sản hiệu quả kinh tế cao như ốc hương, cá lăng, cá song, tôm thẻ chân trắng; HTX Nông nghiệp và Cơ khí Xuân Tiến, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) đẩy mạnh đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm máy sấy lúa, dược liệu và sấy khô các sản phẩm nông nghiệp khác, máy làm miến… Ngoài ra, nhiều mô hình HTX mới được ra đời với sự đổi mới về phương thức quản lý điều hành và phương án sản xuất, kinh doanh linh hoạt phù hợp. Nhiều HTX đã chú trọng ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ, tiếp cận huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Tập trung tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc, thiết bị ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị…
Trong xu thế bùng nổ công nghệ ngày nay, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KH và CN trong sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, sẽ giúp các HTX mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh