Những năm gần đây, cá chạch đang trở thành một trong những con nuôi mới mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân của các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy… Trước nhu cầu ngày càng lớn của thị trường và những thách thức trong việc đảm bảo chất lượng sản xuất giống, Trung tâm Giống thủy hải sản tỉnh Nam Định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thực hiện thành công đề tài khoa học: “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chạch bùn”. Kết quả nghiên cứu ứng dụng đề tài không chỉ nâng cao tỷ lệ sống, năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn mở ra hướng đi bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Cán bộ Trung tâm Giống thuỷ hải sản tỉnh kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cá chạch bùn. |
Qua các vụ sản xuất, cá chạch bùn đang thể hiện những ưu điểm là đối tượng tương đối dễ nuôi, lớn nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, mật độ nuôi cao, sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, giá bán cao và có thị trường tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, ngành nuôi cá chạch bùn tại Nam Định vẫn gặp khó khăn do: Chất lượng đàn cá bố mẹ chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng con giống; tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình nuôi do nhiễm bệnh nấm, vi sinh và ký sinh trùng; ô nhiễm môi trường ao nuôi và biến đổi thời tiết ngày càng phức tạp. Theo thống kê, sản lượng cá chạch thương phẩm của tỉnh ta mỗi năm đạt khoảng 300-500 tấn, đáp ứng 1,5-2% nhu cầu tiêu thụ của miền Bắc.
Trước thực tiễn trên, Trung tâm Giống thủy hải sản tỉnh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật ứng dụng Chế phẩm vi sinh trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Chạch bùn (Misgurnus anguillicaudatus Cantor, 1842) tại tỉnh Nam Định”. Đồng chí Vũ Thị Bích Ân, Phó Giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Cùng với tổng hợp tài liệu khoa học về cá chạch bùn, năm 2023, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực tiễn sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống, ương nuôi thương phẩm ở 6 huyện: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh, Vụ Bản và Ý Yên, từ đó đánh giá hiện trạng, xây dựng quy trình sản xuất giống và ương, nuôi thương phẩm cá chạch bùn. Đồng thời tiến hành sửa chữa, cải tạo ao nuôi cho phù hợp với các thí nghiệm nuôi vỗ đàn cá hậu bị, ương cá bột lên cá giống và nuôi thương phẩm cá chạch bùn ứng dụng chế phẩm vi sinh. Ở các giai đoạn sinh sản nhân tạo, nuôi ương cá bột lên cá giống và nuôi thương phẩm, nhóm nghiên cứu đều bố trí 6 ao nuôi thí nghiệm và 1 ao nuôi đối chứng. Trong đó, các ao nuôi thí nghiệm áp dụng các công thức ứng dụng chế phẩm vi sinh BFC02 pro để xử lý môi trường và sử dụng men vi sinh BFCprobiotic plus trộn vào thức ăn với các nghiệm thức khác nhau để so sánh với ao đối chứng áp dụng phương thức nuôi thông thường hiện nay tại các địa phương.
Qua 3 đợt cho sinh sản nhân tạo cho thấy, ở các ao thử nghiệm có sử dụng chế phẩm sinh học tỷ lệ trứng nở và tỷ lệ sống của cá bột cao hơn các ao đối chứng (90-91% so với 88%). Trong 2 đợt thí nghiệm ương cá bột lên cá giống ở vụ xuân hè và thu đông năm 2024, nghiệm thức sử dụng 3 ngày 1 lần sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường và trộn men vi sinh vào thức ăn hàng ngày cho tỷ lệ sống cao nhất và ổn định 50% (gấp 2 lần tỷ lệ sống ở ao đối chứng). Trong 2 vụ nuôi thương phẩm ở vụ hè thu và thu đông năm 2024, các ao nuôi ứng dụng vi sinh với nghiệm thức 3 ngày 1 lần xử lý vi sinh môi trường và trộn men vi sinh cho ăn hàng ngày cho tỷ lệ sống bình quân 2 đợt là 69%, thu lãi 50,8 triệu đồng/ao 2.500m2, cao hơn đối chứng lần lượt là 45% và 45,16 triệu đồng/ao 2.500m2. Điều này cho thấy việc sử dụng chế phẩm vi sinh đã xử lý đáy ao ô nhiễm, tăng chuyển hoá, phát triển thức ăn tự nhiên thông qua hệ vi sinh vật phong phú, có ảnh hưởng lớn đến mức độ thành thục của cá bố mẹ và tỷ lệ sống của cá bột sau khi nở, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp sinh sản truyền thống. Bên cạnh đó, qua các thí nghiệm cũng cho thấy, tần xuất xử lý vi sinh trong môi trường ao nuôi cá chạch bùn cũng ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ sống, kích thước, trọng lượng tăng trưởng ở các giai đoạn nuôi cá bột lên cá giống, nuôi thương phẩm cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi. Việc lựa chọn chất lượng vi sinh cũng rất quan trọng góp phần quyết định đến hiệu quả của mô hình ứng dụng vi sinh.
Hiện nhóm nghiên cứu Đề tài đã hoàn thiện 3 quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá bột, ương giống cá bột lên cá giống và nuôi thương phẩm; trong tháng 1/2025 đã tổ chức hội thảo nghiên cứu phổ biến kết quả nghiên cứu cho các hộ dân nuôi thủy sản trong tỉnh. Bà Trần Thị Nhạn, xóm 10, xã Mỹ Trung (thành phố Nam Định) cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 1.000m2 các loại cá truyền thống và cá cảnh. Những năm gần đây, môi trường ô nhiễm cùng với những biến đổi ngày càng thất thường của thời tiết khiến cá thường xuyên phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại cho các hộ nuôi. Qua tham quan mô hình nuôi cá chạch bùn thương phẩm tại Trung tâm Giống thủy hải sản tỉnh, tôi nhận thấy đây là con nuôi mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Mô hình còn được áp dụng công nghệ mới giúp xử lý ô nhiễm môi trường, hạn chế mầm bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Tôi đã nắm bắt thêm được thông tin mới, kỹ thuật ưu việt và sẽ nghiên cứu áp dụng kết quả đề tài vào sản xuất cho hộ gia đình”.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chạch bùn (Misgurnus anguillicaudatus Cantor, 1842) tại tỉnh Nam Định” đã hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nuôi từ con giống đến thương phẩm cá chạch bùn, giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm; nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phổ biến kết quả nghiên cứu của Đề tài đến người dân để áp dụng nhân rộng cho các khu vực nuôi cá nước ngọt trong toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất giống đến tiêu thụ sản phẩm cá chạch bùn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi, đồng thời hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững và hàng hóa xuất khẩu, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202501/ung-dung-che-pham-vi-sinh-trong-san-xuat-giongva-nuoi-thuong-pham-ca-chach-bun-e4e1087/