Có nên miễn học phí cho sinh viên ngành Y?
Bộ Y tế vừa đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y như với ngành Sư phạm. Đây là một trong 8 đề xuất được nêu trong báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác Y tế năm 2025 của Bộ Y tế, ngày 24/12, trong bối cảnh thiếu nhân lực.
Trước thông tin trên, trao đổi với PV báo Dân Việt, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm: “Tôi thấy đây là một câu chuyện vô lý. Đã là sinh viên đi học thì có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Nếu sinh viên ngành khác phải đóng học phí thì sinh viên ngành Y cũng phải đóng như thế”.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có nhiều cách để hỗ trợ, khuyến khích sinh viên học tập: “Thay vì miễn học phí cho sinh viên ngành Y thì có thể trao học bổng hoặc qua chính sách hỗ trợ cho người học rơi vào các đối tượng như sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, những sinh viên chấp nhận ra trường làm việc ở vùng sâu, vùng xa, hiểm trở… Mọi sinh viên bình thường đều được bình đẳng như nhau”.
Tiến sĩ Y học Phạm Đức Hùng, làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, TP. Cincinnati, Ohio, Mỹ, chia sẻ: “Theo tôi nên miễn/giảm học phí cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và duy trì thành tích học tốt. Chúng ta có thể nên có bộ hồ sơ tài chính của gia đình dựa vào đây xác định mức đóng cho sinh viên”.
Tiến sĩ Hùng từng nhận học bổng trao đổi nghiên cứu tại Harvard, giành Giải nhất quốc gia môn Hoá, tuyển thẳng vào ĐH Y Dược TP.HCM trở thành thủ khoa ngành Dược, ĐH Y Dược TP.HCM. TS. Hùng bày tỏ: “Cũng nên có hình thức cho vay với mức lãi suất đãi ngộ đối với các bạn sinh viên, đặc biệt với các bạn sẵn sàng làm ở bệnh viện công sau khi tốt nghiệp”.
Một số ý kiến cũng cho rằng, những ngành nào không có đủ sinh viên theo học mới cần miễn học phí, ví dụ như những ngành khoa học cơ bản. Ngành Y có quá nhiều sinh viên muốn theo học. Nhiều nước trên thế giới không miễn học phí cho sinh viên ngành Y mà chỉ tạo điều kiện cho các em vay rồi sau đó trả lại.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường ủng hộ đề xuất này. Đại diện Trường ĐH Y Dược Hải Phòng cho biết: Thực tế thi vào ngành Y đã khó, thời gian học lại dài, mức học phí cao đã trở thành rào cản đối với nhiều sinh viên muốn theo đuổi ngành y. Ngoài ra sinh viên y còn phải đi thực hành ở bệnh viện vô cùng vất vả. Sau khi ra trường, các em cần tiếp tục thực hành nghề nghiệp 12 tháng, học thêm ít nhất 18 – 24 tháng mới có thể hành nghề. Như vậy, ngành y từ lúc vào trường đến khi có thể hành nghề mất khoảng 8 – 9 năm. Do đó, nhiều em gia đình khó khăn muốn theo đuổi nghề y cũng không thể theo được.
Đại diện Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, cho hay ngành Y vốn đặc thù, có khối lượng học tập nặng và chi phí đào tạo tốn kém vì phải đầu tư máy móc, thiết bị, mẫu thực hành và chi phí đi lâm sàng tại bệnh viện. Nếu tất cả đều dựa vào nguồn thu học phí, người học sẽ không gánh nổi chi phí đào tạo. Một số trường tự chủ toàn phần, học phí được xây dựng dựa trên chi phí đào tạo lên tới 60 – 80 triệu đồng/năm.
Tại Quốc hội hồi cuối tháng 5, đại biểu Trần Khánh Thu, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Bình, cũng từng đề xuất Nhà nước hỗ trợ học phí cho sinh viên Y khoa với điều kiện chịu sự phân công công tác sau khi ra trường.
Cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế
Trong đề xuất, Bộ Y tế mong Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để sinh viên Y, Dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo, được cấp sinh hoạt phí trong thời gian học tập. Việc này nhằm thu hút nhân lực, khi ngành Y đang thiếu về cả số lượng và chất lượng.
Đề xuất của Bộ Y tế tương tự chính sách hỗ trợ đối với sinh viên Sư phạm. Theo Nghị định 116, từ năm 2021, sinh viên Sư phạm được nhà nước hỗ trợ 100% tiền đóng học phí cùng 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt. Kinh phí này từ ngân sách của các địa phương, bộ, ngành, thông qua hình thức đặt hàng. Tuy nhiên, sinh viên phải bồi hoàn nếu làm trong ngành không đủ thời gian (6-8 năm), chuyển sang ngành khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình hoặc bị buộc thôi học. Chính sách này được đánh giá cao nhưng trong quá trình thực hiện cũng gặp một số vướng mắc.
Theo báo cáo, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, gồm 66 trường đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu (đào tạo tiến sĩ). Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm ngoái trong toàn quốc là gần 11.300, dược sĩ gần 8.500; điều dưỡng khoảng 18.200.
Quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng 2,33% trong 10 năm qua. Con số này không đáng kể, theo đánh giá của Bộ. Tổng số nhân lực ngành y tế hiện khoảng 431.700 người, thấp hơn nhiều so với mức 632.500 người trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế, giai đoạn 2011-2020.