Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới đã khẳng định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam…”. Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW đã cho thấy sự quan tâm, lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng đối với hoạt động VHNT, tạo động lực để lực lượng văn nghệ sĩ (VNS) hăng say sáng tác, góp phần đưa VHNT phát triển lên một tầm cao mới.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với hội viên dự Trại sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh năm 2023 tổ chức tại huyện Giao Thủy. |
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 55-KH/TU ngày 10-9-2008 về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 và Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X. Hội VHNT tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết số 23-NQ/TW tới cán bộ, đảng viên, hội viên và đội ngũ VNS thuộc các chuyên ngành: Văn, Thơ, Nghiên cứu phê bình, Âm nhac – múa, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Sân khấu và các Chi hội VHNT trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, hội viên Hội VHNT tỉnh nâng cao nhận thức về trách nhiệm tập hợp, động viên đội ngũ VNS của tỉnh sáng tác và giới thiệu với công chúng nhiều tác phẩm VHNT có giá trị phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương, đất nước. Đội ngũ VNS tỉnh nhà tự tin, tự hào vào chính mình, phấn đấu xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng của Đảng, sáng tạo nhiều tác phẩm công trình VHNT có chất lượng cao, phản ánh sinh động, phong phú, đa dạng; tổ chức phong trào thi đua lao động sáng tạo, tạo ra các tác phẩm, công trình VHNT nhằm phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Trong lĩnh vực sáng tạo VHNT của tỉnh, dòng chảy chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn. Nhiều tác phẩm VHNT ở các loại hình: thơ, văn xuôi, sân khấu (chèo, cải lương, kịch nói), điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa… được thể hiện đa dạng với các đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội, phản ánh chân thực, rõ nét cuộc sống lao động, sản xuất của người dân từ thành thị đến nông thôn và những vấn đề thời sự xã hội. Các sáng tác VHNT mang đậm giá trị tư tưởng phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; lan tỏa, nhân rộng các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, mặt trái trong đời sống xã hội. Trong 15 năm qua, đội ngũ VNS Nam Định đã sáng tác xuất bản tới công chúng bạn đọc 43 tập văn xuôi (trong đó có 15 tập tiểu thuyết, 20 tập truyện ngắn, 8 tập ký; 63 tập thơ; 21 công trình nghiên cứu – phê bình; 19 tác phẩm âm nhạc; 900 tác phẩm mỹ thuật; 350 tác phẩm nhiếp ảnh; 5 vở diễn; 12 tập kịch sân khấu; 10 tập văn, thơ, nghiên cứu phê bình, âm nhạc – múa, mỹ thuật, sân khấu của 7 bộ môn; gần 18 nghìn cuốn Tạp chí Văn Nhân và 289 đầu sách của hội viên được xuất bản, 610 công trình và tác phẩm được nhận hỗ trợ sáng tạo VHNT.
Nhiều hội viên được trao tặng các giải thưởng VHNT của Trung ương và quốc tế với tổng số trên 60 giải thưởng các loại trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, phê bình lý luận… do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình Trung ương, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng; 46 Huy chương Vàng, Bạc các Hội diễn Sân khấu toàn quốc và khu vực do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng.
Để khuyến khích, khơi gợi tiềm năng sáng tạo của đội ngũ VNS trong sáng tác, nhiều cuộc thi sáng tác quảng bá các tác phẩm VHNT được UBND tỉnh quan tâm duy trì tổ chức thường xuyên. Trong đó, giải thưởng VHNT mang tên danh nhân Trạng nguyên Lương Thế Vinh dành cho các VNS có tác phẩm xuất sắc đã tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi trong sáng tạo tác phẩm VHNT của VNS trong tỉnh. Các công trình nghệ thuật, vở diễn đã giành nhiều giải thưởng xuất sắc, tạo những dấu ấn đậm nét, khắc sâu trong lòng công chúng và khẳng định vị thế VHNT Nam Định trong nền VHNT nước nhà, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh, con người Nam Định tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tiêu biểu UBND tỉnh đã trao tặng 67 giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ VII (2011-2015) và 64 giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ VIII (2016-2020) cho các tác phẩm VHNT đạt chất lượng cao của các tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia. 9 giải thưởng Nhiếp ảnh du lịch Nam Định (do Sở VH, TT và DL trao tặng); 11 giải thưởng Âm nhạc do Hội VHNT tỉnh trao tặng; 22 giải thưởng Nhiếp ảnh “Đất và người Nam Định” do Hội VHNT tỉnh trao tặng; 50 Huy chương Vàng, Bạc hội diễn cấp tỉnh…
Nhằm đẩy mạnh công tác định hướng tư tưởng cho đội ngũ VNS, động viên, khuyến khích các VNS tích cực sáng tác, Hội VHNT tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ cho hội viên; phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tạo VHNT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam duy trì tổ chức các trại sáng tác VHNT hàng năm tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Đại Lải (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng… với 150 lượt hội viên tham dự tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, các hội viên có cơ hội được giao lưu, trao đổi, trải nghiệm thực tế, tích lũy thêm vốn sống và kinh nghiệm chuyên môn, nâng cao năng lực sáng tác, hoàn thiện những tác phẩm mới có giá trị cả về tư tưởng lẫn nội dung và hình thức. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT của tỉnh có bước đổi mới, góp phần lý giải khoa học hơn quan hệ giữa VHNT với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Những năm gần đây, Bộ môn Nghiên cứu lý luận phê bình (Hội VHNT tỉnh) đảm nhiệm 4 đề tài khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu gồm: “Sự thay đổi địa danh làng xã Nam Định trong thế kỷ XX”; Địa danh Nam Định (Thạc sĩ Hoàng Dương Chương); “Dấu ấn văn hóa thời Trần với cộng đồng dân cư Nam Định” (Nguyễn Thị Cảnh); “Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản” (Bùi Văn Tam); 2 chuyên đề: “Nghề và làng nghề Nam Định”, “Văn hóa dân gian trên đất Trực Ninh – Nam Trực” được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam in thành sách. Nhiều hội viên bộ môn tích cực tham gia các cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế trên nhiều lĩnh vực về: danh nhân, văn hóa vật thể, phi vật thể.
Thạc sĩ, hoạ sĩ Vũ Xuân Dương, Bí thư Chi bộ Hội cho biết: Trong thời gian tới Chi bộ Hội VHNT tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ Hội VHNT đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của VHNT trong thời kỳ mới. Đoàn kết, tập hợp và phát huy mọi khả năng tiềm lực để tổ chức hoạt động VHNT có hiệu quả. Xây dựng đội ngũ hội viên đoàn kết, gắn bó, động viên VNS bám sát thực tiễn cuộc sống, quán triệt sâu sắc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và các nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) cũng như Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc một cách có hiệu quả.
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, đổi mới, nối tiếp truyền thống văn hiến của quê hương, mỗi VNS Nam Định không ngừng lao động sáng tạo, có nhiều tác phẩm, công trình VHNT có chất lượng và tư tưởng nghệ thuật cao, góp phần xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp văn minh./.
Xuân Dương – Hoài Thương – Trần Sản