Sản xuất cơ khí là một trong những ngành nghề công nghiệp chủ lực của tỉnh. Nhờ các chương trình, chính sách khuyến khích phát triển nên trong nhiều năm liền, ngành cơ khí luôn giữ vị trí thứ hai trong cơ cấu giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp tỉnh ta. Hiện tại, ngành cơ khí vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn.
Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thuỷ) đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng các sản phẩm cơ khí. |
Giữ vị trí trọng yếu trong cơ cấu ngành công nghiệp
Theo số liệu thống kê của tỉnh cho thấy, những năm gần đây ngành cơ khí, chế tạo của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ở mức cao, bình quân đạt 18,2%/năm. Đóng góp của ngành lớn thứ hai trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp nói chung và GRDP toàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp trong ngành cơ khí tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân 11,41%/năm. Cơ cấu sản phẩm công nghiệp cơ khí ngày càng đa dạng, từ luyện cán thép (làm nguyên liệu); đúc thép; đúc hợp kim; sản xuất động cơ; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy (có tải trọng đến trên 10 nghìn tấn); đúc chi tiết máy công nghiệp…
Một số phân ngành có sự gia tăng đáng kể, điển hình là phân ngành sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất thiết bị điện. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số “trung tâm” sản xuất cơ khí tương đối đặc trưng như: huyện Xuân Trường chuyên sản xuất các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…; huyện Nam Trực từ thế mạnh truyền thống chuyên sản xuất các chi tiết thiết bị, phụ tùng xe máy đã phát triển thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ thi công xây dựng, giao thông, sản xuất thép nguyên liệu, thiết bị nội thất xây dựng…; các làng nghề đúc của huyện Ý Yên phát triển mạnh dòng sản phẩm đúc mỹ nghệ truyền thống (tượng, tranh, đồ thờ).
Các doanh nghiệp trong ngành cơ khí đã tăng tốc đầu tư các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo đà cho ngành cơ khí phát triển theo chiến lược sản xuất dài hạn. Đáng kể, nhiều doanh nghiệp đã từng bước làm chủ việc thiết kế, chế tạo kết cấu, các chi tiết linh kiện, nâng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm; nhiều sản phẩm trước đây phải nhập hoàn toàn đến nay đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính các doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh chế tạo. Hiện nay, linh kiện kim loại sản xuất nội địa của tỉnh đáp ứng được 85-90% nhu cầu sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong một số lĩnh vực trọng yếu, các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh cũng đã có thể làm chủ được công nghệ, sản xuất chế tạo được các loại thiết bị cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, các thiết bị đồng bộ phục vụ chế tạo các nhà máy công nghiệp… Bên cạnh đó, đại đa số doanh nghiệp cơ khí cũng đã nhạy bén tiếp cận cơ hội thị trường mới, đáp ứng nhanh nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm cơ khí chất lượng cao.
Ông Lê Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nam Định (Nam Trực), đơn vị chuyên sản xuất thiết bị linh kiện cơ khí phục vụ ngành đường sắt, khai thác mỏ, điện lực cho biết: Những năm gần đây Công ty đã nỗ lực, chủ động đầu tư hệ thống máy móc hiện đại. Riêng năm 2022, Công ty đầu tư 10 tỷ đồng lắp đặt thêm một dây chuyền đúc chi tiết bằng công nghệ cao CNC, các máy móc cắt, gọt công nghệ laser; trang bị phần mềm tối ưu cho các bộ phận tiếp cận với các cơ quan chức năng, tiếp cận, quảng bá sản phẩm tới khách hàng trên mạng internet. Công ty đã nâng cao năng lực tự sản xuất các linh kiện chi tiết nên đã nâng tỷ lệ nội địa hoá lên gần 80%, giảm sâu tỷ lệ nhập khẩu chi tiết linh kiện, chủ động nguyên liệu đầu vào, hạ chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh khi cung ứng sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó, Công ty khẳng định được thương hiệu là một trong những doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí tốp đầu của Việt Nam, chất lượng sản phẩm không thua kém gì sản phẩm cùng loại của nước ngoài sản xuất. Năm 2022 Công ty đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng; năm 2023 Công ty đã tiếp tục ký kết được nhiều đơn hàng với các đối tác lớn.
Với nền tảng nghề có từ lâu đời, đội ngũ thợ kỹ thuật và công nhân bậc cao, tay nghề chắc nên nghề cơ khí của tỉnh đã khẳng định được vị thế chắc chắn trên thị trường, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế công nghiệp địa phương.
Tiềm năng và giải pháp phát triển
Theo Sở Công Thương, công nghiệp cơ khí của tỉnh là ngành vẫn còn tiềm năng phát triển nhờ truyền thống, kinh nghiệm, đội ngũ lao động tương đối lành nghề; nhiều doanh nghiệp cơ khí của tỉnh không ngừng vươn lên lớn mạnh, thiết lập uy tín, chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đất nước đang trong quá trình tăng tốc phát triển, nhu cầu các sản phẩm cơ khí ngày càng tăng. Ngoài ra, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước những cơ hội lớn, có ưu thế hơn khi có thể xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Xu hướng đầu tư vào ngành cơ khí đang gia tăng tại địa phương. Vừa qua, tỉnh đã thu hút một số dự án lớn, có tính đột phá là các dự án luyện gang thép và cơ khí phục vụ ngành điện gió. Cụ thể là các dự án Nhà máy gang thép số 1 (Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nam Định), công suất 7,5 triệu tấn/năm, dự án Nhà máy cơ khí Rạng Đông sản xuất thiết bị điện gió…
Với mục tiêu thúc đẩy ngành cơ khí phát triển mạnh mẽ hơn, đưa công nghiệp của tỉnh trở thành ngành kinh tế chủ đạo; bám sát Chiến lược phát triển công nghiệp, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh gia tăng các chương trình, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, thiết bị đồng bộ, chuyên dụng và xây dựng, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý tiên tiến, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Trong đó, sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các lĩnh vực cơ khí phục vụ các ngành đóng và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí ô tô, xe máy, cơ khí xây dựng, thiết bị vật tư ngành điện… Đối với lĩnh vực đóng tàu cần tái cơ cấu sản xuất đảm bảo ổn định và phát triển; gia tăng năng lực đóng mới và sửa chữa nhóm sản phẩm tàu trọng tải trên 50 nghìn DWT; từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ khả năng đóng các loại tàu có trọng tải lớn hơn (tương đương 50 nghìn – 100 nghìn DWT); đặc biệt khuyến khích đầu tư công nghệ lắp ráp và chế tạo các loại tàu chất lượng cao (du thuyền, tàu cao tốc…) với công nghệ 4.0. Lĩnh vực công nghiệp lắp ráp, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy cần chú trọng vào phân khúc thị trường xe khách, xe chuyên dụng, xe bán tải, xe tải dưới 5 tấn với chất lượng và tỷ lệ nội địa hoá cao. Tích cực tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất linh phụ kiện cho các tập đoàn lắp ráp, phân phối lớn; đầu tư máy móc chuyên dụng hướng tới phát triển ngành chế tạo phụ tùng phục vụ dịch vụ sửa chữa. Trong lĩnh vực chế tạo thiết bị máy nông nghiệp, máy xây dựng, kim khí tiêu dùng, theo hướng nâng cao chất lượng, độ bền các linh kiện chủ chốt, tối ưu hoá thiết kế để nâng cao tuổi thọ thiết bị, vận hành và bảo dưỡng thuận lợi tạo dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường. Phát triển ngành đúc – luyện kim theo hướng chuyên sâu với quy mô lớn, làm chủ các công nghệ chế tạo và gia công các loại vật liệu có tính năng vật lý ưu việt, chú trọng đầu tư thiết bị có chất lượng nhằm giảm tiêu hao năng lượng cũng như ổn định chất lượng.
Tỉnh xác định ưu tiên bố trí không gian phát triển công nghiệp cơ khí tại các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu, gắn với khai thác cảng biển nước sâu khu vực Nghĩa Hưng để thu hút các doanh nghiệp tiềm năng đầu tư các dự án lớn, ngành công nghiệp xanh; trong đó có các dự án công nghiệp cơ khí và sản xuất thép xanh, công nghiệp chế biến chế tạo gắn với bảo vệ môi trường… Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận và nhận chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, chú trọng đến các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 để có cơ hội thay đổi đột phá; hỗ trợ các doanh nghiệp cùng ngành trong tỉnh, trong nước kết nối với nhau để tăng cường liên kết, liên doanh, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng cơ hội tiếp cận nhiều bạn hàng lớn và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy