Những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Trước thực tế này, ngày 23-4-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 59/NQ-CP về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Tiếp đó, ngày 8-7-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương; trong đó giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất từ 1,5% đến 2%), nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Sản xuất giày da xuất khẩu tại xã Xuân Ngọc (Xuân Trường). |
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã và đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/máy học… trong quy trình chấm điểm, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Đặc biệt, khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều ngân hàng thử nghiệm, triển khai sản phẩm dịch vụ đăng ký khoản vay trực tuyến cho khách hàng cá nhân và được ủng hộ cao vì sự tiện lợi, nhanh chóng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28-6-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, bổ sung quy định về phê duyệt các khoản vay qua phương tiện điện tử, tạo sự thuận tiện hơn cho người dân, phê duyệt nhanh chóng, thủ tục đơn giản với kỳ vọng sẽ kích thích tín dụng tiêu dùng phát triển. Đây được coi là động thái “mở cửa” với hành lang pháp lý thông thoáng tạo cơ hội “bùng nổ” hoạt động cho vay trực tuyến; nhất là những khoản vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống.
Bám sát vào chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai kịp thời nhiều gói tín dụng cho vay tiêu dùng nội địa để kích cầu tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung. Điển hình là Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam đã hợp tác với Công ty Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam triển khai chương trình cho vay mua xe với lãi suất từ 0-9,5%/năm. Kết hợp với Mitsubishi Motor Vietnam, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng triển khai cho vay mua xe với lãi suất ưu đãi 8,8%/năm. Mong muốn đem lại giải pháp tài chính dành cho khách hàng phục vụ nhu cầu đời sống, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trên địa bàn tỉnh đã triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15 nghìn tỷ đồng. Đối với khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Đối với khách hàng chưa sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản thì lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1,0%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Mức cho vay đối với khách hàng không có bảo đảm bằng tài sản bằng 36 tháng lương (tối đa không quá 500 triệu đồng). Chương trình được triển khai cho các khoản vay ngắn, trung và dài hạn (thời hạn cho vay không vượt quá thời gian công tác còn lại của khách hàng) được áp dụng từ ngày 12-6-2023 đến hết ngày 12-6-2024. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Chi nhánh Nam Định cũng triển khai gói cho vay mua xe lãi suất 8,5%/năm và mức vay đến 100% giá trị xe, thời gian vay kéo dài đến 10 năm; đồng thời dành 5.000 tỷ đồng cho vay mua, xây mới hoặc sửa chữa nhà với mức lãi suất chỉ từ 10,6%/năm và được vay tối đa đến 30 năm… Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PvcomBank) Chi nhánh Nam Định cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi 13.500 tỷ đồng, lãi suất giảm tới 4% so với lãi thông thường, tập trung cho cá nhân vay mua nhà để ở, trong đó ưu tiên cho vay tại những dự án chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.
Hầu hết các ngân hàng thương mại trong tỉnh đều mở rộng cho vay tiêu dùng, trong đó khách hàng vay thấu chi tối đa từ 100-500 triệu đồng không cần tài sản đảm bảo. Các ngân hàng đều đầu tư giải ngân vốn cho vay tiêu dùng không khống chế tăng trưởng, song phải bảo đảm cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích. Tránh tình trạng nhiều khách hàng lợi dụng nguồn vốn cho vay tiêu dùng sử dụng sai mục đích. Theo số liệu NHNN Chi nhánh tỉnh, đến hết tháng 7-2023, dư nợ tín dụng của toàn ngành đạt 94.524 tỷ đồng, tăng 1.397 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nhiều ngân hàng thương mại dành 20-40% thị phần tổng dư nợ để cho vay khách hàng cá nhân tiêu dùng. Việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng không chỉ giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng mà còn kích cầu sản xuất, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.
Năm 2023, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 14%. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tín dụng tiêu dùng sẽ trở thành một công cụ quan trọng để kích cầu góp phần tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo thêm việc làm cho xã hội với nhu cầu về nhân lực tài chính, tư vấn khách hàng, quản trị hệ thống, vận tải… và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Để tín dụng tiêu dùng dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống, thời gian tới, các ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng phục vụ tiêu dùng cá nhân, mặt khác cần nâng cao chất lượng xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn nhằm hạn chế rủi ro phát sinh; tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng khuyến cáo người tiêu dùng phải thận trọng lựa chọn cho mình các gói tín dụng phù hợp; đồng thời phải xây dựng kế hoạch tài chính toàn diện phù hợp với thu nhập và khả năng trả nợ để tránh món vay trở thành nợ xấu, khách hàng “mất điểm” tại các ngân hàng, gây ra hệ luỵ mất an toàn trật tự xã hội. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng kiến nghị NHNN xem xét tạo điều kiện tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp việc thẩm định, xác minh thông tin khách hàng trong quá trình xét cấp tín dụng được đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ “mỏ vàng” dữ liệu, các tổ chức tín dụng sẽ tiết kiệm được chi phí, nguồn lực trong quá trình thẩm định; đây cũng là điều kiện để giảm lãi vay tiêu dùng, kích thích người dân vay phục vụ nhu cầu đời sống./.
Bài và ảnh: Đức Toàn