Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) có 6,5km bờ biển và 7km hạ lưu sông Ninh Cơ. Tận dụng tiềm năng, thế mạnh, người dân nơi đây đã đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản.
Cơ sở sản xuất hàu giống của ông Trần Văn Châu, thị trấn Thịnh Long tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, doanh thu đạt 1-2 tỷ đồng/năm. |
Toàn thị trấn có trên 72ha nuôi thủy sản với các đối tượng chính như: tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng, cá lóc bông… Nhiều hộ nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao như các ông: Vũ Văn Thành, Ngô Văn Tuấn… Hộ ông Vũ Văn Thành có 2 mẫu nuôi cá lóc bông, sản lượng đạt khoảng 20 tấn/năm. Chia sẻ kinh nghiệm để có một vụ nuôi thành công, ông Thành cho biết: “Trước khi thả cá vào ao tôi luôn chú trọng việc nạo vét bùn ao, rải vôi đáy và phơi nắng vài ngày rồi mới dẫn nước vào. Nguồn nước cấp cho ao nuôi cá phải chủ động, cấp thoát dễ dàng, nước không bị nhiễm phèn và mặn”. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu, khi cá lóc bông còn nhỏ, ông thường xay nhuyễn hoặc băm nhỏ thức ăn rải sẵn trên sàng làm bằng tre hoặc gỗ, đặt ngập trong nước khoảng 5cm. Làm ăn có lãi, trong thời gian tới ông Thành tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng diện tích ao nuôi. Hộ ông Trần Văn Châu là cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất thành công giống hàu. Sau 11 năm sản xuất, hiện cơ sở của ông có trên 100 bể phục vụ sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương. Hàng năm, cơ sở sản xuất được trên 100 triệu con hàu giống, doanh thu 1-2 tỷ đồng/năm.
Cùng với nuôi trồng, địa phương cũng đẩy mạnh việc chế biến thủy hải sản. Tháng 8-2023, thị trấn thành lập Hội thu mua chế biến thủy hải sản với hơn 20 hội viên, trong đó có nhiều cơ sở chế biến thủy sản lớn như Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, Công ty TNHH Vạn Hoa, cơ sở nước mắm Cường Là… Việc thành lập hội giúp chính quyền địa phương dễ dàng nắm bắt được tình hình của các cơ sở chế biến, doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các cơ sở, doanh nghiệp có thêm điều kiện để giao lưu, học hỏi, cạnh tranh lành mạnh, từ đó cùng nhau phát triển. Công ty TNHH Vạn Hoa chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm và sứa ăn liền. Nằm gần cảng cá Ninh Cơ, nguồn nguyên liệu mà Công ty thu mua về luôn đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tôm, cá được lựa chọn cẩn thận, còn tươi sống. Sản lượng cá biển thu mua mỗi năm khoảng 200 tấn, 150 tấn sứa biển, 150 tấn tôm, tép. Trung bình mỗi năm Công ty sản xuất và tiêu thụ ra thị trường khoảng 200 nghìn lít nước mắm, 50 tấn mắm tôm và 80 tấn sứa thành phẩm. Các sản phẩm của Công ty đều được chứng nhận đạt OCOP 3 sao và có mặt ở nhiều siêu thị trên toàn quốc. Công ty đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 30 công nhân với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Cơ sở nước mắm Cường Là cũng là một cơ sở chuyên sản xuất, chế biến nước mắm, mắm tôm được nhiều người chọn lựa. Để các sản phẩm thơm ngon và đạt tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu được lựa chọn thu mua luôn phải tươi sống, các dụng cụ chế biến, chai, lọ đựng sản phẩm cũng phải được mua từ các cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh, không thu mua chai, lọ phế phẩm. Mỗi năm cơ sở thu mua khoảng 100 tấn nguyên liệu của người dân trong địa phương đi khai thác được. Với 50 bể chượp, 5 nhân công lao động, mỗi tháng cơ sở sản xuất được trên 1.000 lít nước mắm và mắm tôm được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Anh Nguyễn Văn Cường, chủ cơ sở cho biết: “Nước mắm, mắm tôm ở cơ sở đều được làm bằng phương pháp thủ công nên có vị hoàn toàn khác so với các sản phẩm được làm bằng phương pháp công nghiệp. Mỗi công đoạn để tạo ra thành phẩm đến tay người tiêu dùng đều có ý nghĩa quan trọng, tác động đến hương vị và chất lượng, vậy nên chúng tôi không bao giờ chấp nhận sai sót hay sự cẩu thả trong quy trình chế biến”. Hiện tại, giá nước mắm của cơ sở dao động từ 60-100 nghìn đồng/lít, tùy độ đạm cao hay thấp.
Khai thác thủy hải sản cũng là một trong những nghề chính của người dân Thịnh Long từ nhiều năm nay với 45 phương tiện khai thác hải sản có công suất từ 24CV đến 1.300CV. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các chủ phương tiện thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và các biện pháp giám sát hành trình nghề cá. Những tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt 1.810 tấn, giá trị trên 60,1 tỷ đồng; trong đó, khai thác đạt 1.580 tấn, nuôi trồng đạt 230 tấn.
Đồng chí Lê Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long cho biết: “Để kinh tế biển ngày càng phát triển, trở thành mũi nhọn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con ngư dân chuyển đổi, cải hoán phương tiện công suất lớn hơn vươn khơi khai thác, mang lại nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Bên cạnh đó, thị trấn cũng tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ chế biến thủy sản tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa