Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế – văn hóa của tỉnh, có vị trí quan trọng và thuận lợi của vùng tam giác kinh tế, nơi tiếp giáp với nhiều đầu mối giao thông trong và ngoài tỉnh. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với các giải pháp có tính đột phá, cụ thể hóa Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) về tập trung xây dựng, phát triển thành phố giai đoạn 2021-2025 theo hướng hiện đại, đồng bộ và giữ gìn bản sắc văn hóa, thành phố Nam Định đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, mở rộng phát triển không gian; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển thành phố trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Quảng trường Hòa Bình, nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân tỉnh Nam Định ngày 15-3-1959, nay được cải tạo, nâng cấp khang trang hiện đại, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị mới ở trung tâm thành phố Nam Định.
Ảnh: Viết Dư
|
Từ sự quan tâm của tỉnh và bằng các nguồn lực của thành phố, diện mạo đô thị của thành phố Nam Định ngày càng thay đổi rõ rệt theo hướng sáng – xanh – sạch – đẹp hơn. Hàng loạt các dự án khu đô thị mới, khu tái định cư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị đang được triển khai xây dựng trong nội thành và ven đô, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ mang lại một diện mạo mới hiện đại, đồng bộ, văn minh hơn cho đô thị cổ Thành Nam, tạo thêm những cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân. UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, bổ sung và xây dựng mới nhiều quy hoạch như: Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; kế hoạch sử dụng đất năm 2022; danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha thuộc kế hoạch sử dụng đất năm 2022; lập quy chế quản lý kiến trúc thành phố; điều chỉnh quy hoạch phân khu các phường, xã… để đáp ứng công tác xây dựng, phát triển thành phố. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tập trung cho các công trình trọng điểm, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giao thông, thoát nước… làm thay đổi rõ nét hạ tầng, cảnh quan, tạo điều kiện phát triển toàn diện các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
Nhiều dự án lớn đã và đang được đầu tư xây dựng, tạo điểm nhấn cảnh quan hiện đại, khang trang của thành phố như: cầu Tân Phong và đường nối Quốc lộ 10 – Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38B (đoạn từ Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Nam Định); các khu đô thị: Hòa Vượng, Thống Nhất, Dệt may, Khu đô thị mới phía nam sông Đào; Khu tái định cư Phúc Trọng – Bãi Viên; xây dựng và cải tạo, nâng cấp các Trường Tiểu học: Trần Nhân Tông, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Trãi; xây dựng, cải tạo các công viên, vườn hoa, kè hồ và đường dạo ven các hồ; xây dựng khu Trung tâm lễ hội thuộc dự án văn hóa Trần, tuyến đường trục trung tâm phía nam thành phố… Một số không gian công cộng trong thành phố đã được đầu tư như khu vực Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh, hồ Vị Xuyên, khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, Sân vận động Thiên Trường, Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Bảo tàng tỉnh, Cột cờ Nam Định… tạo cảnh quan đẹp và không gian xanh mát xen lẫn giữa truyền thống và hiện đại mang những nét đặc trưng riêng.
Dịp này, thành phố Nam Định được ví như một đại công trường với hàng loạt các công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ như: Dự án đường trục phía nam thành phố, dự án xây dựng – cải tạo Quảng trường Hòa Bình, dự án cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, dự án đường gom Quốc lộ 10, dự án xây dựng khu đô thị đường Nguyễn Công Trứ… Những công trình trọng điểm này đều được xây dựng trên cơ sở hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tăng cường kết nối các khu vực trong thành phố, đặc biệt là khu vực hai bên bờ sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai.
Thi công các hạng mục cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi.
Ảnh: Thành Trung
|
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 28-8-2023, thành phố Nam Định đã long trọng tổ chức khánh thành dự án cải tạo Quảng trường Hòa Bình – công trình chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Nam Định (21-5-1963 – 21-5-2023). Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định cho biết: Ngày 15-3-1959, trong lần thứ tư Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định, sau khi thăm Nhà máy Dệt, Người đã có cuộc nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định tại Quảng trường Hòa Bình. Dự án xây dựng, cải tạo Quảng trường Hòa Bình có diện tích sử dụng đất 2,3ha, gồm các hạng mục: đài phun nước nghệ thuật (âm sàn) ở vị trí trung tâm; sân quảng trường lát đá, kết hợp hệ thống cây xanh; khu nghệ thuật ngoài trời; nhà kỹ thuật; hệ thống cây xanh… với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đầu năm 2024. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ trước 6 tháng, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 8 tỷ đồng. Công trình đã trở thành địa điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa cộng đồng mới, hiện đại của người dân Thành Nam, nhất là trong các dịp lễ, tết và các ngày kỷ niệm trọng đại.
Tiếp tục nỗ lực đổi mới trên các lĩnh vực, khẳng định sức mạnh nội tại và hiện thực hóa Nghị quyết số 07-NQ/TU, thành phố Nam Định đang kiên trì thực hiện các mục tiêu: Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội; phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh. Quyết tâm xây dựng thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển rõ rệt gồm: Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu; vùng phát triển đô thị về phía tây và tây bắc (Mỹ Lộc) và vùng phát triển đô thị về phía nam và đông nam thành phố. Ưu tiên phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế số, tạo thuận lợi và xây dựng môi trường kinh doanh số. Tăng cường cung cấp các tiện ích đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, quản lý xã hội. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố và hạ tầng giao thông quốc gia và phát triển các khu đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho đô thị trung tâm, thu hút tăng trưởng, góp phần tạo nền tảng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong thời gian tới, thành phố Nam Định chủ trương huy động tối đa mọi nguồn lực tập trung xây dựng, hoàn thành các dự án trọng điểm như: cầu vượt sông Đào; tuyến đường trục phía nam thành phố; Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh…
Các dự án trọng điểm đang được thành phố Nam Định triển khai thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ, tạo bước phát triển đột phá về hạ tầng đô thị, cải thiện diện mạo thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là: phát triển thành phố trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh và đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.
Thành Trung