Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định – là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định vừa đi vào hoạt động tại số nhà 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định được cấp giấy phép hoạt động vào ngày 21-6-2023. Với sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỉ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM – thầu khoán dinh Độc Lập).
Hiện, Bảo tàng trưng bày 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá với hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn gồm Bộ sưu tập các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; Bộ sưu tập những chiếc xe các chiến sĩ Biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; Bộ sưu tập vũ khí; vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn; Bộ sưu tập dụng cụ đồ nghề sản xuất; Bộ sưu tập thiết bị thông tin liên lạc… Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi, mang đầy tính chất huyền thoại của Biệt động Sài Gòn – Gia Định.
Vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) từ 15-9
Văn phòng Thường trực Ủy ban điều phối thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên) Việt Nam – Trung Quốc tỉnh Cao Bằng cho biết, đơn vị đã thống nhất với Sở Văn hóa và Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) về việc mở lối Bản Giốc – Đức Thiên và vận hành thí điểm cho du khách tham quan lại khu cảnh quan hai bên.
Thác Bản Giốc ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, được ví như viên ngọc của du lịch Cao Bằng.
Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN
|
Hai bên thống nhất cùng tổ chức lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) tại Trạm kiểm soát khu vực mốc 834/1 vào ngày 15-9-2023. Thời gian vận hành thí điểm tính từ ngày 15-9-2023 đến ngày 14-9-2024. Việc vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc thể hiện quyết tâm của hai nước cùng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Mô hình hợp tác hai nước – hai khu đóng vai trò quan trọng trong hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu hữu nghị khu vực biên giới, nhất là phát triển du lịch, tăng cường giao lưu nhân dân của hai tỉnh, đặc biệt là xây dựng mô hình kiểu mẫu du lịch qua biên giới và du lịch xanh.
Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia căn cứ địa Lạt Sơn
UBND huyện Kim Bảng, Hà Nam vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia căn cứ địa Lạt Sơn.
Căn cứ địa Lạt Sơn gồm: Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, núi Giát Dâu và Đồi Bụt, thuộc địa phận xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Nữ tướng Lê Chân là vị tướng xuất sắc của Hai Bà Trưng, công lao, chiến tích của bà đã lưu dấu ấn sâu đậm ở nhiều địa phương từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cho đến Hà Nam.
Lạt Sơn – vùng đất cổ được hình thành cách ngày nay trên 2.000 năm. Bằng chứng là các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều cổ vật quý, là dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn, đặc biệt là ba chiếc Trống đồng có tên gọi là Trống Lê Chân, Bút Sơn I và Bút Sơn II hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam tầm nhìn 2030 đã định hướng huyện Kim Bảng với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, Quần thể di tích và danh thắng Bát Cảnh Sơn, chùa Bà Đanh – Núi Ngọc, Đền Trúc Ngũ Động Sơn; Quần thể di tích và danh thắng thờ Nữ tướng Lê Chân là trọng điểm cần ưu tiên đầu tư phát triển thành điểm du lịch văn hóa tâm linh quan trọng của tỉnh./.
PV