Để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Ngân hàng tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD), yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay; chỉ đạo các TCTD triển khai đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tích cực chỉ đạo các TCTD triển khai các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120 nghìn tỷ đồng, gói 15 nghìn tỷ đồng mới được công bố và triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản cùng một loạt các chương trình khác; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến về cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng bằng nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp hiểu và tiếp cận các chính sách, sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng…
Về lãi suất, từ đầu năm 2023 tới nay NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất (lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng Việt Nam đồng kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng đối với một số ngành, lĩnh vực) với mức giảm 0,5-2%/năm nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn.
Sản xuất cầu, phai cống thép tại Công ty Cổ phần Cơ khí Trường Thanh ở xóm 7, xã Xuân Thượng (Xuân Trường). |
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, có 6 chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho 34 khách hàng (19 doanh nghiệp và 15 cá nhân) với tổng giá trị nợ được cơ cấu lại lũy kế là 125 tỷ 170 triệu đồng (gốc 119.436 triệu đồng, lãi 5.734 triệu đồng). Các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đối với 9 khách hàng (5 doanh nghiệp và 4 hộ kinh doanh) với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất là 63 tỷ 487 triệu đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 344 triệu đồng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP cho 40.631 món vay, số tiền lãi đã hỗ trợ là 126 tỷ 807 triệu đồng. Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, xúc tiến 3 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nằm trong khuôn khổ Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Lũy kế đến hết quý II năm 2023, đã có 109 doanh nghiệp được tạo điều kiện cho vay, tổng số tiền cam kết cho vay là 1.677 tỷ 425 triệu đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 1.957 tỷ 752 triệu đồng. Trong đó, các dư nợ cho vay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh hàng dệt may và cho vay khác…
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mong muốn. Nguyên nhân mức tăng trưởng tín dụng thấp dù lãi suất cho vay giảm là do không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng bởi: Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, ngân hàng phải siết chặt hơn việc đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng, doanh thu giảm…). Sau thời gian chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, cộng với thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều tài sản về đất sút giảm giá trị khiến tài sản đảm bảo của người vay không đủ bảo đảm cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ hoặc không quản lý được dòng tiền khiến ngân hàng không đủ cơ sở để cho vay tiếp. Một số khách hàng chưa hồi phục sau giai đoạn dịch COVID-19, phát sinh nợ xấu/nợ quá hạn, nên các TCTD phải thận trọng trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. Thực tế cũng cho thấy, ngoài việc siết chặt định giá tài sản thế chấp và đánh giá năng lực quản lý dòng tiền, thanh toán lãi vay, gốc vay của người vay từ phía ngân hàng, thì mức tăng trưởng tín dụng thấp còn do nhu cầu vay của doanh nghiệp giảm sút khi đang gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, gia tăng hàng tồn kho. Chính vì vậy, làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp đang là một bài toán khó, cần các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía chứ không chỉ từ phía ngân hàng.
Để giải quyết bài toán nâng cao khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, theo các cơ quan chuyên môn, biện pháp quan trọng nhất lúc này là tăng tổng cầu nền kinh tế, giải quyết hàng tồn kho của doanh nghiệp thông qua tăng cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh sức mua, thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do. Và trên hết, bản thân doanh nghiệp cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí sản xuất và chuẩn bị sẵn sàng tối đa về nguồn lực để nhập guồng, tăng tốc sản xuất, đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng hoá ngay khi thị trường có tín hiệu tích cực. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn, tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá, nguồn hàng, thị trường; gia tăng trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch và giải quyết đúng các cam kết trả nợ, chấp nhận bán tài sản, nếu cần. Bên cạnh đó, cả ngân hàng và doanh nghiệp phải có sự phối hợp, hợp tác, tăng niềm tin, chữ tín với nhau, để có được “tiếng nói chung” theo hướng chia sẻ, hài hòa lợi ích.
Với nỗ lực gia tăng các biện pháp từ hai phía cung ứng và sử dụng vốn, hy vọng dòng tín dụng sẽ được khơi thông, tạo nên cú hích cho sự phát triển kinh tế trong nửa cuối năm, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 tỉnh đã đề ra./.
Bài và ảnh: Đức Toàn