Kỳ I: Những “điểm sáng” văn hóa nông thôn mới
Kỳ II: Xây dựng môi trường văn hóa phát triển toàn diện
(Tiếp theo và hết)
Kỳ III – Bài học kinh nghiệm xây dựng môi trường văn hóa
Việc xây dựng môi trường văn hóa nông thôn mới (NTM) ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đưa tỉnh phát triển theo hướng nhanh, bền vững.
Nghệ thuật chèo truyền thống – “món ăn” tinh thần của người dân Nam Định (Trong ảnh: Hát chèo trong lễ hội Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định năm 2023).
Ảnh: Khánh Dũng
|
Từ thực tiễn xây dựng môi trường văn hóa NTM ở tỉnh ta đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trước hết đó là công tác xây dựng môi trường văn hóa NTM luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Công tác chỉ đạo, điều hành phải thật sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt; kết hợp xây dựng mô hình điểm trước khi nhân rộng; rút kinh nghiệm gắn với công tác thi đua, khen thưởng… Thực tiễn cho thấy nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều được đưa vào nghị quyết của Đảng, đưa vào tiêu chí thi đua thì phong trào sẽ đạt kết quả cao. Các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cấp; mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong huyện có những bước chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được giữ vững.
Để thực hiện có hiệu quả các nội dung xây dựng môi trường văn hóa NTM, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, con người. Việc chỉ đạo thực hiện phải thường xuyên, liên tục, lan tỏa, thấm sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Từ việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hoạt động và đóng góp nguồn lực cho xây dựng môi trường văn hóa ngày càng nhiều. Hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa các cấp, nhất là cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện. Các di sản văn hóa được bảo tồn và ngày càng phát huy giá trị. Việc xây dựng môi trường văn hóa NTM ở tỉnh ta đã đạt được kết quả tích cực, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Xây dựng NTM, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng”; thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc hài hoà với phát triển kinh tế – xã hội… Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa ở cơ sở được tăng cường. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, tiêu cực, chống các quan điểm, hành vi sai trái, thù địch gây hại đến môi trường văn hóa, lối sống được chú trọng; làm nổi bật lên những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình, cộng đồng làng xã tốt đẹp. Nhiều gương người tốt, việc tốt, nghĩa tình được nhân rộng, phát huy.
Phát huy kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với xây dựng NTM. BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 75-KL/TU ngày 14-12-2021 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07 về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh”; Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại”. Triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhất là quan điểm: văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực cho phát triển kinh tế; phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển kinh tế và Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Các cấp, các ngành, đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các nội dung của Kết luận số 75- KL/TU tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế – xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với công tác văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa NTM. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa. Duy trì và nâng cao các kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và gia đình. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nếp sống văn hóa công sở, ứng xử văn minh nơi công cộng, tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng và nhân rộng các điển hình, các điểm sáng trong thực hiện nếp sống văn hóa, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cộng đồng. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa, nhất là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ những giá trị “chân – thiện – mỹ”.
Tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tích cực vận động người dân thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng, nhân rộng các điển hình, điểm sáng trong thực hiện nếp sống văn hóa thời kỳ mới. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” nhằm thu hút sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo người dân, đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động thể dục, thể thao, phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao, nhất là thể thao quần chúng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; tăng cường huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch. Tạo điều kiện nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí…
Xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu là nhiệm vụ lâu dài; mục đích cuối cùng là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; do vậy xây dựng đời sống văn hóa là một tiêu chí quan trọng cần được quan tâm thực hiện. Mỗi đơn vị NTM nâng cao, kiểu mẫu từng cấp phải là nơi có đời sống văn hóa thực sự phong phú, giàu bản sắc và đáng sống, thỏa mãn mọi nhu cầu cuộc sống của người dân. Qua đó để môi trường văn hóa NTM thực sự là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, là nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững./.
Khánh Dũng – Minh Tân