Kỳ I: Những “điểm sáng” văn hóa nông thôn mới
Xây dựng môi trường văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh và động lực đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH)” đi vào chiều sâu, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh.
Người dân tham gia đoàn rước kiệu trong lễ hội Đền Xám, xã Hồng Quang (Nam Trực). |
Đến các vùng quê trong tỉnh ngày nay, cảm nhận sự đổi thay toàn diện, rõ nét về diện mạo, đời sống kinh tế – xã hội phát triển, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các địa phương từ các xã nội đồng, thuần nông đến các xã vùng chân sóng ngày càng nâng cao. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt, cố gắng của cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM theo hướng nâng cao, bền vững và ngày càng phát triển. Đến tháng 9-2023, toàn tỉnh có 189 xã, thị trấn (92,65%) đạt chuẩn NTM nâng cao; 19 xã (10,1%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó có 4 xã NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hóa gồm: Kim Thái (Vụ Bản), Hải An (Hải Hậu), Giao Hải (Giao Thủy), Hồng Quang (Nam Trực).
Xã Kim Thái là địa phương đầu tiên của tỉnh về đích xây dựng NTM kiểu mẫu nổi trội về văn hóa năm 2022. Đồng chí Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái cho biết: “Từ năm 2020, xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Với thế mạnh của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, xã tiếp tục thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó chú trọng thực hiện tiêu chí về văn hóa gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy Vụ Bản về “Xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu hướng đến là xây dựng địa phương vững về chính trị, mạnh về kinh tế, đẹp về lối sống văn hóa, tương xứng với vị thế là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh đặc sắc của tỉnh và cả nước. Trên địa bàn xã có Quần thể di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Phủ Dầy gắn với các di sản văn hóa phi vật thể như: lễ hội Phủ Dầy, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, nghi lễ chầu văn và nghệ thuật hát văn, hát chầu văn. Thực hiện tiêu chí văn hóa NTM kiểu mẫu, UBND xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, phát triển đa dạng các loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật quần chúng (hát văn, hát chầu văn, múa lân – sư – rồng); đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đến du khách trong và ngoài nước; xây dựng hình ảnh con người Kim Thái “nghĩa tình, văn minh, năng động, sáng tạo”. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản đã được hoàn thiện. Các mô hình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) quần chúng thu hút trên 60% người dân trên địa bàn tham gia; mỗi thôn, xóm đã thành lập được từ 1-2 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, nghệ thuật truyền thống; tỷ lệ gia đình văn hóa, gia đình đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự đạt trên 96%. Trên địa bàn xã không có tệ nạn cờ bạc, lô đề, nghiện hút ma túy, mại dâm, ổ nhóm tội phạm, án hình sự nghiêm trọng. 100% thôn, xóm giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự. Xã còn là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số của huyện; phủ sóng wifi miễn phí tại bộ phận “một cửa” của UBND xã, Trạm y tế xã, Bưu điện văn hóa xã, các trường học, nhà văn hóa xóm và 8 địa điểm công cộng trên địa bàn phục vụ nhu cầu sử dụng các dịch vụ công nghệ số của người dân; đội 9, xóm 3 được chọn làm điểm xây dựng mô hình “Xóm thông minh”, hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra.
Đấu vật ở xã Giao Hải (Giao Thủy) – Nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân miền biển. |
Ở xã NTM kiểu mẫu Hải An, việc phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội và sự hưởng ứng tích cực của người dân đã tạo nên những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”. Ban chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết số 04/NĐ-ĐU ngày 25-8-2020 về “Đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu sáng – xanh – sạch – đẹp để phát triển bền vững, giai đoạn 2020-2025”; lãnh đạo cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chương trình, nhiệm vụ công tác của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, xã coi trọng và nhân rộng phong trào thi đua xây dựng ĐSVH, môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở; xây dựng các chi bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh. Đảng ủy phân công đảng ủy viên phụ trách các chi bộ xóm tuyên truyền, vận động người dân nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Xóm văn hóa kiểu mẫu”, thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng… Trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã Hải An đã huy động các nguồn lực xã hội xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp, giao lưu, biểu diễn văn nghệ, tập luyện TDTT của người dân. Xã đã xây dựng Trung tâm Văn hoá – Thể thao xã với tổng diện tích 3.750m2; trong đó, nhà văn hoá xã diện tích 620m2, khu thể thao xã được quy hoạch 3.130m2. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, cả 10 xóm trong xã đều xây dựng nhà văn hóa chung, có lắp đặt trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời (từ 5 dụng cụ trở lên). Điểm sáng trong xây dựng văn hóa NTM kiểu mẫu ở xã Hải An là địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình “Văn hóa, văn nghệ, TDTT” từ các xóm đến cấp xã, gồm các CLB văn thể: bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ, văn nghệ, dưỡng sinh, cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, xe đạp, với hơn 800 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Cùng với đó là sự phát triển đa dạng của các loại hình nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại như: hát chèo, trống hội, kèn đồng, cồng chiêng, aerobic, dân vũ…, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải An Nguyễn Hữu Thịnh cho biết: “Mô hình “Văn hóa, văn nghệ, TDTT” kiểu mẫu được triển khai trên địa bàn xã đã giúp nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa gắn với các nhiệm vụ chính trị khác tại địa phương”. Thành công trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu ở xã Hải An còn phải kể đến là việc huy động sức dân thực hiện phong trào xây dựng “Xóm văn hóa kiểu mẫu” và cảnh quan môi trường nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp. Đầu năm 2023, xã đã vận động xã hội hóa, xây dựng con đường bích họa dài hơn 1km, đoạn từ cầu đá Hải An – đường An Đông, qua di tích Đền An Trạch đến nhà văn hóa xóm 5 (mô hình xóm điểm xây dựng văn hóa kiểu mẫu). Chủ đề, nội dung các bức bích họa là những đặc trưng nổi bật về truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hóa lễ hội, di tích, phong tục tập quán của vùng đất, con người quê hương ven biển Hải Hậu. Không chỉ tái hiện những sự kiện lịch sử, cuộc sống bình dị của người dân thôn quê, các khẩu hiệu tuyên truyền xây dựng NTM, bảo vệ môi trường được lồng ghép trong nội dung các bức bích họa hay những danh thắng tiêu biểu của quê hương có tác động sâu sắc đến mỗi người dân. Con đường bích họa ở xã Hải An trở thành điểm nhấn, tạo nên diện mạo tươi mới trong xây dựng NTM kiểu mẫu, có ý nghĩa thiết thực, cổ vũ, khích lệ người dân cùng có ý thức, trách nhiệm chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển và gửi gắm những khát vọng về một cuộc sống mới bình yên, tươi sáng.
Chương trình xây dựng NTM được các địa phương trong tỉnh xác định “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Xây dựng môi trường văn hóa nông thôn chú trọng giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là cơ sở quan trọng để gắn kết tình làng, nghĩa xóm, xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền vững mạnh, là “chìa khóa” giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người, gia đình, xây dựng quê hương, đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc như Đại hội XIII của Đảng đề ra.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Khánh Dũng – Minh Tân