(Tiếp theo kỳ trước)
Trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo được công nhận hoạt động là Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Thực hiện Quy định số 06-QĐi/TW (gọi tắt là Quy định 06), ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị về “Một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo”, công tác bồi dưỡng, xây dựng lực lượng nòng cốt tôn giáo để tạo nguồn kết nạp đảng viên được các cấp ủy Đảng toàn tỉnh quan tâm; bảo đảm chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục, quy định của Đảng. Kết quả kết nạp đảng viên là người có đạo góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên tại những địa bàn đông đồng bào có đạo; tăng sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của đồng bào có đạo đối với Đảng, chính quyền.
Giáo xứ Hoành Nhị, xã Giao Hà (Giao Thủy). |
Trước tháng 8-2019, Đảng bộ xã Hải Hưng (Hải Hậu) còn một chi bộ ghép là chi bộ 10 (gồm xóm 9, xóm 10) với tất cả 9 đảng viên là đồng bào có đạo. Đồng chí Lương Văn Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định công tác tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ ở chi bộ xóm, tổ dân phố nói chung và phát triển đảng viên ở chi bộ có 100% đảng viên gốc đạo (các chi bộ 8, 10, 11 và 12) là nhiệm vụ quan trọng. Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp: cử các đồng chí là trưởng, phó xóm, trưởng phó các chi hội, chi đoàn chưa là đảng viên đi học lớp bồi dưỡng đối tượng phát triển đảng và tạo điều kiện giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng. Phân công các đồng chí thường vụ phụ trách liên xóm, các đảng ủy viên phụ trách trực tiếp, hàng tháng tham gia sinh hoạt cùng chi bộ để chỉ đạo; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Phân công đảng viên phụ trách việc tạo nguồn phát triển Đảng; giao chỉ tiêu mỗi chi bộ trong nhiệm kỳ ít nhất phải kết nạp 1 đến 2 đảng viên mới, coi đây là tiêu chí quan trọng trong đánh giá công nhận tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của tổ chức Đảng như: hỗ trợ 1 triệu đồng/năm cho chi bộ khó khăn, có ít đảng viên; thưởng cho các chi bộ làm tốt công tác phát triển đảng viên mới. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, Đảng bộ xã kết nạp được trên 10 đảng viên mới, trong đó có 2 đảng viên là người có đạo. Đảng bộ xã đã thành lập 2 chi bộ xóm độc lập là nơi có đông đồng bào có đạo; không còn chi bộ ghép.
Huyện Hải Hậu có hơn 40% dân số là đồng bào Công giáo. Ngày 23-6-2015, huyện Hải Hậu là một trong hai huyện trên cả nước được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) và đặc biệt hơn nữa là có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM (tiêu chí chỉ yêu cầu 80%). Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, chất lượng chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số xóm, tổ dân phố còn hạn chế. Việc kết nạp đảng viên mới là người trực tiếp lao động sản xuất, là người có đạo còn khó khăn. Toàn huyện có 42,1% chi bộ xóm, tổ dân phố trên 5 năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Mục tiêu xoá xóm “trắng” đảng viên và tổ chức Đảng chưa bền vững, có xu hướng tái diễn xóm “trắng” đảng viên hoặc chi bộ ghép. Toàn huyện có gần 20% chi bộ xóm, tổ dân phố chỉ có từ 3 đến 8 đảng viên; vẫn còn 2 xóm “trắng” đảng viên, 2 xã có 3 chi bộ ghép, mỗi chi bộ lãnh đạo 2 đến 3 xóm, nhưng các chi bộ này nhiều năm vẫn không kết nạp được đảng viên mới… Để nâng cao chất lượng công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên nói chung, nhất là ở xóm, khu dân cư vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, BCH Đảng bộ huyện Hải Hậu khóa XXVI đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/HU về nâng cao chất lượng chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở xóm, tổ dân phố giai đoạn 2015-2020.
Theo Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Trần Minh Hải, để Nghị quyết 02 “vào cuộc sống”, huyện quyết liệt chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai thực hiện tốt Quy định 06 và các quy định của Trung ương về chính sách tôn giáo, tạo sự phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng có đạo ưu tú. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng là người có đạo phấn đấu vào Đảng đạt được kết quả bước đầu, nhiều người có nguyện vọng xin vào Đảng, được các đoàn thể chính trị – xã hội ở cơ sở lựa chọn bồi dưỡng giới thiệu để chi bộ xem xét, tạo nguồn phát triển Đảng. Việc kết nạp quần chúng ưu tú là người có đạo vào Đảng đã tạo nguồn bổ sung thường xuyên cho công tác quy hoạch cán bộ tại địa phương, đơn vị; góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị, phát triển tổ chức Đảng tại địa phương, đơn vị.
Sư thầy Thích Thanh Toàn (đứng giữa) là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ 7, Đảng bộ thị trấn Lâm (Ý Yên). |
Đảng bộ tỉnh có 4.630 đảng viên là người tham gia các tôn giáo, chiếm 4,17% tổng số đảng viên; trong đó đại đa số theo Đạo Thiên chúa (4.621 đảng viên), 2 đảng viên theo Đạo Phật; 6 đảng viên theo Đạo Tin lành. Từ năm 2016-2020, toàn Đảng bộ kết nạp được 477 quần chúng theo các tôn giáo vào Đảng; năm 2022, toàn tỉnh kết nạp 73 đảng viên mới là người có đạo. Có trên 790 đảng viên theo tôn giáo là công chức, viên chức thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh; 365 đồng chí là công chức, viên chức thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã; 214 đồng chí tham gia BCH đảng bộ xã và tương đương; 535 đồng chí là đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn.
Thực hiện Quy định số 06 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 20-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “Một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo”, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên là người theo tôn giáo bảo đảm chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục, quy định của Đảng. Những quần chúng là người theo tôn giáo được kết nạp vào Đảng đều là những quần chúng ưu tú, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, không vi phạm về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; đạt yêu cầu về trình độ học vấn, chuyên môn theo quy định; có khả năng thuyết phục, vận động gia đình, dòng họ và quần chúng có đạo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với người có đạo; giữ gìn đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Khi tham gia sinh hoạt tôn giáo, đảng viên có đạo luôn giữ gìn tư cách đảng viên; thể hiện vai trò nòng cốt trong tập hợp quần chúng là tín đồ các tôn giáo, thực hiện đúng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Sư thầy Thích Thanh Toàn (thế danh là Trần Văn Hùng), Chùa Vạn Điểm là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ 7, Đảng bộ thị trấn Lâm (Ý Yên). Với tác phong khiêm nhường của một tu sĩ, sư thầy Thích Thanh Toàn chia sẻ: Là một công dân, một tu sĩ đang trên bước đường tu nhân học Phật đồng thời là đảng viên, tôi luôn thực hiện phương châm “vì lợi ích cho chúng sinh, vì an lạc và hạnh phúc cho mọi người”, làm theo lời dạy của Đức Phật và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi luôn cố gắng là công dân mẫu mực, không ngừng tu dưỡng đạo đức và trí tuệ, nêu cao tinh thần hoà hợp của Phật giáo, giữ gìn khối đoàn kết toàn dân, đem đạo vào đời, vận động tín đồ Phật tử xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, xây dựng chùa tinh tiến”.
Theo sư thầy Thích Thanh Toàn: Ở nước ta hiện nay, các tổ chức tôn giáo đều được bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Tuy nhiên, thời gian gần đây lợi dụng chính sách “Tự do tín ngưỡng”, “Tự do tôn giáo”, một số kẻ xấu đã có những hoạt động vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của dân tộc và của nhân dân như: Lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động chống đối, kích động tín đồ gây mất an ninh trật tự, tiếp tay cho các thế lực thù địch, chia rẽ tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Vì lẽ đó, phát huy truyền thống “hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới, ngoài việc vận động tín đồ và nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, các loại hình tín ngưỡng không hợp pháp, các tăng, ni trong Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tạo điều kiện để tín đồ phật tử học tập giáo lý, giúp họ nâng cao nhận thức, tự ý thức phân biệt được đâu là mê tín, đâu là tín ngưỡng để đi đến tự tín và chính tín.
Hệ thống tổ chức Công giáo ở huyện Xuân Trường có Tòa Giám mục Bùi Chu, một Chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm (Đại chủng viện Bùi Chu) và 78 xứ, họ đạo; 5 dòng nữ tu (dòng Đa Minh, dòng Mân Côi, dòng Thăm Viếng, dòng Mến Thánh Giá, dòng Trinh Vương) với trên 6 vạn giáo dân. Đảng bộ huyện có 69 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với trên 8.500 đảng viên; trong đó có 385 đảng viên là người Công giáo. Nhiều chi bộ có 100% đảng viên là người có đạo như các chi bộ: Phú An, Trung Lễ, Liên Thượng (Đảng bộ xã Xuân Ngọc); các chi bộ 14, 15, 16 (Đảng bộ xã Xuân Ninh)…
Đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Trường cho biết: Đội ngũ cán bộ, đảng viên người Công giáo luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ, chức trách được giao; là “cầu nối” giữa Đảng với đồng bào Công giáo, giúp cho các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực. Trong 385 đảng viên Công giáo có một đồng chí tham gia BCH Đảng bộ huyện, 3 đồng chí là trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể của huyện; 14 đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp xã, 30 đồng chí trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể xã; 47 bí thư, phó bí thư chi bộ; xóm trưởng, tổ trưởng tổ dân phố; 84 giáo viên các bậc học của huyện. Hàng năm, các tổ chức cơ sở Đảng vùng đông đồng bào Công giáo luôn quan tâm bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người có đạo. Năm 2022, toàn huyện đã kết nạp 10 đảng viên là người Công giáo trong tổng số 127 đảng viên mới được kết nạp trong năm. Ở địa bàn cơ sở, các đồng chí đảng viên có đạo thực sự là nòng cốt tham gia xây dựng tình đoàn kết, gắn bó; làm tốt công tác hòa giải, kịp thời hóa giải những mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân. Các đảng viên vận động người dân tham gia đấu tranh với các biểu hiện mê tín dị đoan, các nghi thức tôn giáo không phù hợp, đấu tranh, phòng ngừa những biểu hiện lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết, đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân nơi cư trú.
Linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho biết: Trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, người Công giáo tỉnh luôn đồng hành với xã hội, quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội. Để xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, bà con giáo dân đã thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến về chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác an sinh xã hội; tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều vị linh mục chánh xứ đã bố trí khung giờ lễ phù hợp để bà con giáo dân đi bầu cử đông đủ, đúng lịch; có 438 người Công giáo đã trúng cử đại biểu HĐND các cấp. Ngoài ra, người Công giáo tỉnh còn làm tốt công tác tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, thường xuyên giáo dục con em về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, 100% thanh niên Công giáo đến 17 tuổi đều đăng ký nghĩa vụ quân sự; 18 tuổi đi khám tuyển sức khoẻ đủ tiêu chuẩn đều lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong 5 năm qua, cộng đồng người Công giáo trong tỉnh đã bổ sung cho quân đội 1.238 thanh niên.
Xác định công tác tôn giáo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thời gian qua Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở vùng có đông đồng bào các tôn giáo trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở ở vùng tôn giáo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp. Chú trọng làm tốt công tác phát huy vai trò tích cực của chức sắc, chức việc tôn giáo trong công tác bảo đảm an ninh trật tự. Vận động đồng bào các tôn giáo cảnh giác và tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tự do tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn khu dân cư, góp phần ổn định sinh hoạt tôn giáo và thắt chặt mối quan hệ giữa “Đảng – Chính quyền – Tôn giáo”, “đoàn kết Lương – Giáo”, bảo đảm an ninh chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, cuộc sống an bình của nhân dân.
(Còn nữa)
Bài: Việt Thắng
Ảnh: Đăng Khoa và Việt Thắng